Là phó chủ tịch điều hành tập đoàn kho vận hàng đầu thế giới DHL, Supriya Rao Patwardhan đã vượt qua thời gian khó khăn trong sự nghiệp sau khi trở thành một người mẹ, cũng như đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử trong công việc khi đến Singapore vào những năm 90. Giờ đây bà lãnh đạo đội ngũ 5.8000 chuyên gia công nghệ thông tin đến từ 87 quốc gia khác.
1. Muốn có nhiều nữ lãnh đạo hơn thì cần hỗ trợ các bà mẹ
Theo báo cáo năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), phụ nữ chiếm chưa đến 1/3 số nhà lãnh đạo cấp cao. Phó chủ tịch Patwardhan tin rằng một lý do lớn là nhiều người bỏ việc sau khi làm mẹ, đặc biệt nếu họ không được hỗ trợ đầy đủ.
Năm 1989 lúc còn là một bà mẹ trẻ sống tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, bà gặp phải rào cản sự nghiệp đầu tiên vì không tìm được người trông trẻ. Vì vậy Patwardhan chỉ đành làm chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin bán thời gian.
“Thời điểm đó khó khăn nhất vì sự nghiệp mà tôi đã gầy dựng gần như sụp đổ. Trong khi đó người đồng trang lứa lại đang tiến lên phía trước”, nữ phó chủ tịch nhớ lại.
Ba thập kỷ sau, con gái duy nhất của Phó chủ tịch Patwardhan đối mặt với khó khăn tương tự sau khi hạ sinh con đầu lòng vào năm 2020 lúc đại dịch hoành hành, thành phố Luân Đôn nơi cô sinh sống bị phong tỏa.
“Sau thời gian nghỉ thai sản thì con tôi phải quay lại làm việc, nếu không sẽ nhận mức lương thấp hơn. Con bé thấy căng thẳng vì không nhận được bất cứ hỗ trợ chăm sóc con cái nào, con bé không nghĩ mình có thể đi làm trở lại”, bà chia sẻ.
Trở thành bà ngoại đã cho Patwardhan nhiều cảm xúc và suy ngẫm về thế hệ sau này của mình
Phó chủ tịch Patwardhan nói thêm: “Tôi nghĩ thật vô lý! Đã bao lâu trôi qua rồi mà vấn đề này vẫn tồn tại. Ngày nay rất nhiều công ty hay đạo luật xác định trong đội ngũ lãnh đạo nên có phụ nữ, nhưng không thể cho phụ nữ thăng tiến chỉ vì họ là phụ nữ. Thay vào đó nên hỗ trợ trường hợp đang vất vả nuôi con, đảm bảo họ không rời bỏ lực lượng lao động. Khi đó chúng ta sẽ có đủ nữ lãnh đạo”.
Với quan điểm trên, Phó chủ tịch Patwardhan lập ra chương trình “She’s Back” hỗ trợ phụ nữ quay lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản bằng chế độ làm việc linh hoạt, nâng cao kỹ năng, đào tạo người hỗ trợ giúp họ vượt qua giai đoạn chuyển đổi.
2. Cảm giác tội lỗi của người mẹ
Phó chủ tịch Patwardhan cho biết ngoài thiếu hỗ trợ, một khó khăn khác mà các bà mẹ mới sinh phải đối mặt là cảm giác tội lỗi của người mẹ.
“Mối quan tâm của phụ nữ không bao giờ thay đổi dù cho họ ở Luân Đôn, Singapore hay Ấn Độ. Người mẹ luôn muốn chăm sóc và tạo ra môi trường tốt nhất cho con mình, vì vậy họ thấy tội lỗi khi rời xa con để quay lại làm việc”, bà chỉ ra.
Không nhất thiết phải như vậy. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, phó chủ tịch Patwardhan kêu gọi những phụ nữ theo đuổi sự nghiệp nên suy nghĩ cân bằng hơn: “Tôi là một người mẹ tận tụy, nhưng tôi cũng cần rèn luyện trí óc. Nếu không tôi không thể làm một người mẹ hạnh phúc. Làm mẹ là trải nghiệm tuyệt vời, nhưng tôi không muốn chỉ được nhớ đến với vai trò này. Tôi muốn có thứ gì đó của riêng mình, không thì tôi sẽ đánh mất bản sắc của mình mất”.
Patwardhan cho biết chồng luôn ủng hộ sự nghiệp của bà
Một môi trường ổn định tại nhà cũng quan trọng không kém. Việc có trung tâm chăm sóc trẻ em và người giúp việc khi chuyển đến Singapore vào năm 1992 đã giúp phó chủ tịch Patwardhan yên tâm quay lại làm việc. Con gái bà tại Luân Đôn cũng sẵn sàng làm việc trở lại nhờ chồng của Patwardhan quyết định sang giúp đỡ chăm sóc.
3. Sức mạnh của sự đa dạng
Không dễ dàng để phó chủ tịch Patwardhan có được công việc đầu tiên ở Singapore vào những năm 1990. Bà nhớ lại: “Tôi thấy bản tin tuyển dụng nên liên hệ xin ngay. Họ hỏi tôi đến từ đâu. Tôi nói từ Ấn Độ, họ đáp rằng việc này dành cho người Trung Quốc. Lúc đó không có nhiều người Ấn và cũng không nhiều phụ nữ làm việc trong ngành công nghệ. Nên phụ nữ Ấn xin việc ngành công nghệ nghe rất kỳ lạ, không được trao cơ hội việc làm”.
Phải mất một thời gian Patwardhan mới có được công việc đầu tiên tại một công ty công nghệ. Sau đó bà chuyển sang DHL rồi gắn bó suốt 30 năm.
Patwardhan mô tả đơn vị của bà tại DHL như một Liên hợp quốc thu nhỏ với 87 quốc tịch khác nhau
“DHL là tập đoàn quốc tế. Điều này rất quan trọng. Chúng tôi không phải đảo biệt lập mà là một cộng đồng. Tập đoàn sở hữu lực lượng đa dạng về kinh nghiệm lẫn tư duy, vì vậy khi đưa ra quyết định chúng tôi phải cân nhắc mọi quan điểm. Sẽ rất nhàm chán nếu mọi người đều nghĩ theo cùng một cách. Sự đa dạng cho mỗi chúng ta có thêm nhiều kiến thức để học hỏi, nhận thức và khả năng thích nghi”, theo phó chủ tịch Patwardhan.
4. Xuất phát điểm không quan trọng bằng nỗ lực
Lúc mới chuyển sang DHL, Patwardhan phải bắt đầu lại từ đầu với công việc lập trình viên phân tích, nhưng bà không hề nản lòng mà làm việc rất chăm chỉ. Kết quả trong vòng 1 năm bà đã được thăng chức, sau đó lần lượt sang Kuala Lumpur (Malaysia) và Đức đảm nhiệm vị trí cao hơn.
Tại Đức, Patwardhan thành công vượt qua một đợt sa thải lớn năm 2009, nắm giữ chức giám đốc thông tin (CIO). Chức vụ mới cho phép bà thực hiện cải tổ mạnh mẽ.
Patwardhan đã làm việc tại DHL trong 30 năm, bắt đầu từ vị trí lập trình viên phân tích cho đến vai trò hiện tại là phó chủ tịch điều hành.
Khi đó DHL có đến 4.000 hệ thống khác nhau cho phục vụ hoạt động đặt chỗ, nhận hàng và vận chuyển hàng không ở hơn 200 quốc gia. Bà cùng đội ngũ của mình tiến hành chuẩn hóa, giảm số hệ thống xuống chỉ còn 120. Làm vậy đảm bảo dịch vụ nhất quán, dễ theo dõi lô hàng ở mọi giai đoạn, đạt hiệu quả về chi phí.
Đội ngũ dưới trướng Patwardhan từ 15 người tăng lên 120 người. Công ty con tại Đức vượt qua khó khăn, phần thưởng mà bà nhận được chính là vị trí phó chủ tịch quản lý công nghệ thông tin cho cả tập đoàn.
5. Thể hiện đúng bản thân
Ở vị trí cấp cao, phó chủ tịch Patwardhan muốn định hình di sản của mình: “Vì là phụ nữ duy nhất trong đội ngũ lãnh đạo nên tôi không thể dễ bị tổn thương hay yếu đuối. Tôi tập trung vào nhiệm vụ, mặt mềm mỏng của phụ nữ từng không được thể hiện ra bên ngoài. Nhưng rồi tôi lựa chọn thể hiện đúng bản thân. Đôi khi tôi có thể xúc động, đôi khi căng thẳng và đôi khi mất kiểm soát. Đây không phải dấu hiệu của sự yếu đuối. Chúng ta có thể nói về gia đình và con cái. Ngày nay người giữ vị trí lãnh đạo cần gần gũi hơn, làm gương, hỗ trợ nhân viên, chứ không phải luôn tỏ vẻ bề trên”.
Patwardhan cùng con gái và mẹ, những người đã nuôi dạy bà trở thành một người phụ nữ tự tin.
Tác phong của bà đem lại thay đổi cho văn hóa doanh nghiệp, tạo ra một cộng đồng gắn kết chặt chẽ hơn.
6. Nắm bắt mọi cơ hội
Một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của phó chủ tịch Patwardhan chính là luôn sẵn sàng nhận công việc khi người khác không làm. Bà nắm bắt mọi cơ hội.
Nữ phó chủ tịch khuyên phụ nữ nên phát huy tính chủ động: “Là phụ nữ, chúng ta luôn tin rằng nếu làm việc một cách đúng đắn và chăm chỉ thì ai đó sẽ đến và trao cho chúng ta phần thưởng hoặc thăng chức cho chúng ta. Không phải lúc nào cũng vậy. Đôi lúc bạn phải đòi hỏi và mạnh dạn bày tỏ ý tưởng”.