VĂN HÓA

Phong trào tranh hồi hương mạnh mẽ của hội họa Việt

Quốc Hoài • 24-07-2022 • Lượt xem: 886
Phong trào tranh hồi hương mạnh mẽ của hội họa Việt

Do ảnh hưởng của thời chiến từ xa xưa, đặc biệt là giai đoạn thuộc địa và hậu thuộc địa, số lượng tranh Việt bị lưu lạc, bôn ba ở xứ người có thể nói là vô cùng lớn. Từ đó, dẫn đến vấn đề “chảy máu" tác phẩm gây nên nhiều tiếc nuối cho giá trị văn hóa của nước nhà. Đáng nói hơn, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 lần các tác phẩm hội hoạ của Việt Nam ở mức giá lên hơn trên triệu USD nhưng lại trên sàn quốc tế. Tuy nhiên, một tin đáng mừng rằng sắp tới đây, cụ thể là cuối tháng 7 và đầu tháng 8, sẽ có hơn 200 tác phẩm hội họa của danh hoạ Lê Bá Đảng được chuyển từ Pháp về Việt Nam.  

Đại diện cho tâm hồn nguồn cội

Vừa mới đây, cụ thể là vào thời điểm trung tuần của tháng 7, tại Park Hyatt Saigon đã diễn ra triển lãm phi thương mại Timeless Souls: Beyond The Voyage - Hồn xưa bến lạ do Sotheby’s tổ chức. Tại đây, 56 tác phẩm của “Bộ tứ Paris" (gồm các danh họa: Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Phổ (1907-2001), Vũ Cao Đàm (1908-2000) và Lê Thị Lựu (1911-1988)) đã được giới thiệu đến rộng rãi công chúng. Trong giới hội họa, họ là những danh họa được đánh giá cao, cùng tốt nghiệp từ những khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Trước khi quyết định chuyển sang Pháp định cư thì “Tứ kiệt Đông Dương” đã có thời gian dài sáng tác tại Hà Nội. 

Nhận xét về phong cách sáng tác của bốn danh hoạ Việt nổi tiếng, nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập Ace Lê cho rằng mặc dù sử dụng nhiều kỹ thuật Tây Phương nhưng các tác phẩm vẫn giữ được cái hồn cá nhân. Nhìn sâu hơn, mỗi bức tranh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố phương Đông và phương Tây. Ẩn mình trong đó lại là bản sắc Việt mạnh mẽ. Do vậy, tạo nên sự hài hòa tinh tế và luôn tồn tại âm hưởng của hơi thở Việt. 

Nhận thấy một cách rõ ràng hơn, loạt chủ đề và hình ảnh quen thuộc như hoa cỏ và cảnh quan, phong tục văn hoá, đường nét kiến trúc, sinh hoạt gia đình… luôn tồn đọng trong các tác phẩm của Hồn xưa bến lạ. Và vì nằm trong thời gian sáng tác ở nước ngoài, nên trong đó còn có thêm những cái nhìn, góc tiếp cận mới mẻ. 

Hành trình trở về kì diệu 

Theo thông tin nhận được thì người đại diện cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã có mặt tại Pháp để thực hiện hoàn tất tất cả các thủ tục để tiếp nhận các tác phẩm do ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê trao tặng. 200 tác phẩm tranh, tượng nghệ thuật, dụng cụ sáng tác của cố danh họa Lê Bá Đảng sẽ sớm có mặt vào thời gian tới (vào khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8), sau quá trình chuyển từ Pháp về Việt Nam.

Đây được xem là cuộc hồi hương có quy mô lớn của hội họa Việt. Tuy nhiên lại không phải là đầu tiên. Bởi trước đây cũng có những hành trình trở về và dừng chân của tranh Việt từ xứ người đã diễn ra thành công. Có thể kể đến hai lần Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được tiếp nhận bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu từ vợ chồng nhà sưu tầm Lê Tất Luyện và nhà văn Thuỵ Khuê với tổng cộng 29 tác phẩm. Được biết, đây là bộ sưu tập mà vợ chồng nhà sưu tầm thay mặt chồng hoạ sĩ Lê Thị Lựu là ông Ngô Thế Tân trao tặng lại cho nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, vào ngày kỉ niệm 46 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2021), bộ sưu tập tranh mang tên “Houei" (Phồn vinh) của nhà sưu tập người Nhật - Toyokichi Itoh được tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Với nhiều cái tên quen thuộc của nền mỹ thuật Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung… Đây cũng được xem là một trong những chuyến hồi hương diệu kỳ của tranh Việt nhờ vào nghĩa cử cao đẹp khi hiến tặng lại của các nhà sưu tầm tư nhân nước ngoài. Bộ sưu tập gồm 238 tác phẩm do ông Itoh trao tặng hẳn cho thành phố và 49 tác phẩm được cho mượn trong vòng 10 năm sẽ lần lượt được trưng bày, giới thiệu và quảng bá. 

Điểm nhấn văn hóa nghệ thuật nước nhà 

Có thể nói, phong trào hồi hương của hội họa Việt đã được manh nha từ lâu và phát triển ngày càng mạnh mẽ đến hiện tại. Ngay trên sàn quốc tế, tranh của hoạ sĩ Việt Nam luôn được đánh giá cao và mang mức giá cũng không hề nhỏ. Đặc biệt cần kể đến tác phẩm đầu tiên mở màn cho những bức tranh triệu đô của hội họa Việt khi ở nước ngoài là “Đời sống gia đình” của danh họa Lê Phổ. Được biết, tác phẩm này đã được mua với mức giá 1,17 triệu USD. Tiếp ngay sau đó, tác phẩm của ba danh họa còn lại của bộ tứ “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm" cũng có giá leo thang đến mức chóng mặt. 

Vì vậy, khi hàng loạt bức tranh quý, đặc biệt là các tác phẩm có tiếng triệu đô hồi hương về Việt Nam sẽ là một điểm nhấn cho giá trị văn hóa nghệ thuật nước nhà. Thêm vào đó còn tăng thêm niềm hãnh diện, lòng tự hào dân tộc mạnh mẽ hơn không chỉ đối với giới họa sĩ mà còn lan rộng ra đối với những người con Việt. Mặt khác, khi gương mặt văn hóa nghệ thuật của đất nước có một chỗ đứng nhất định còn giúp thức tỉnh và đẩy mạnh nhận thức của nhiều người. Họ sẽ không còn xem nhẹ về tài sản quý giá này mà bắt đầu nhìn nhận sâu sắc, biết tiếp nhận một cách đầy trân quý.