Duyên Dáng Việt Nam

Phú Quang, nóc phố mồ côi mùa đông!

Anh Châu • 09-12-2021 • Lượt xem: 512
Phú Quang, nóc phố mồ côi mùa đông!

Trong chương trình Duyên dáng Việt Nam lần thứ 28 (năm 2016) tại Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang đàn piano và hát ca khúc 'Em ơi Hà Nội Phố' làm bao người phải sững sờ, thổn thức.

Trên trang cá nhân, nhà báo Nguyễn Công Khế viết:

"Phú Quang, nóc phố mồ côi mùa đông!

Duyên dáng Việt nam lần thứ 28 (năm 2016) tại Hà Nội, bài hát "Em ơi Hà Nội phố" do chính Phú Quang đàn piano và hát làm tôi và nhiều người sững sờ, lặng im và nước mắt chảy giàn giụa. Cảnh trí được dàn dựng trên sân khấu của đạo diễn Đinh Anh Dũng, nó tái hiện một Hà Nội lãng mạn, một Hà Nội oằn mình trong bom đạn tàn khốc, nhưng "tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều  còn vọng tiếng chuông ngân".


Nhạc sĩ Phú Quang, ca sĩ Hà Anh Tuấn trên sân khấu Duyên dáng Việt Nam lần thứ 28.

Hôm đó, cả tiếng dương cầm của Tuấn Mạnh và tiếng hát chơn chất,hồn nhiên của Phú Quang làm cho cái hồn cốt thực sự của Phố, cây bàng lá đỏ, và người Hà Nội hiện lên trên sân khấu của một Hà Nội có “nóc phố mồ côi mùa đông, mùa đông năm ấy...”

Hôm nay tiễn đưa anh. Tôi nhớ nhiều đến đêm ấy, trên sân khấn DDVN tại Hà Nội".

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, là con út trong gia đình nhiều đời sống ở Hà Nội. Ông có một tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972, vì thế với ông "mối tình đầu và mối tình đẹp nhất cũng đều ở Hà Nội". Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội.

Từ lâu, người yêu nhạc tin rằng Phú Quang tự khắc họa đời mình qua Em ơi, Hà Nội phố: "Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố. Bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường". Với khán giả Sài Gòn, hình bóng ông năm nào như còn đó trên đường Đồng Khởi thênh thang - nơi có quán cà phê Catinat của nhạc sĩ, hay hẻm nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm với giàn hoa giấy đầy nắng - nơi ông sống.

Phú Quang từng chia sẻ ông yêu Hà Nội vì Hà Nội là quê hương. Ông là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên như bao người có quê khác, ông thiên vị với Hà Nội.

Sinh thời, trong những lần cà kê với bạn bè, Phú Quang hay nhắc khoảng thời gian hơn 20 năm sống ở Sài Gòn. Hồi ấy, vì con gái ốm yếu, không phù hợp thời tiết lạnh miền Bắc, ông chuyển vào Nam. Những ngày đầu, nhạc sĩ gặp khó khăn vì thiếu tiền, được bạn bè giúp đỡ, nhanh chóng hòa nhập đời sống âm nhạc sôi động của thành phố, tổ chức liveshow đầu tiên năm 1987.

Một lần giao lưu với khán giả Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu hỏi ông: "Tôi được biết anh đang là nhạc sĩ ăn khách ở miền Bắc. Tại sao anh lại bỏ Hà Nội để vào Sài Gòn? Anh có thể nói lý do anh chán Hà Nội để vào đây không?". Ông trả lời: "Tại sao lại phải chán Hà Nội? Người nghệ sĩ luôn muốn đi tìm cái mới, mà tôi vào Sài Gòn chính là để tìm những cái mới đó cho mình".

Khi bị bạn vặn: "Thế tại sao vào sống giữa Sài Gòn mà những bài hay nhất của anh vẫn là viết về Hà Nội?", ông đáp: "Hà Nội tôi coi như cha mẹ tôi, còn Sài Gòn tôi coi như người tình. Nếu có vào đây thì cũng là tạm xa cha mẹ để đuổi theo một người tình. Một kẻ không biết yêu cha mẹ mình thì cũng không thể yêu được một người tình. Và các anh chị cũng chẳng bao giờ nên yêu một kẻ như vậy".

Bạn bè hay hỏi lý do ông ở Sài Gòn lâu nhưng không thay đổi giọng nói, thói quen ăn uống. Ông cười xuề xòa, nói không thể bỏ được bản chất của đàn ông Bắc.


Nhạc sĩ giữ thói quen đội mũ fedora dù thời tiết nóng. Trời se lạnh một tí, ông sẽ mặc áo khoác vì thèm hơi của đông Hà Nội. Xa quê hương, ông được nhiều bạn bè, khán giả yêu mến nhưng vẫn cảm thấy thiếu vắng. Vì vậy, gần 10 năm cuối đời, nhạc sĩ chọn sống ở thủ đô.

Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết xuất phát từ những rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính và thanh quý.

"Đời sống của tôi nỗi buồn nhiều hơn. Nỗi buồn thường liên quan đến tình yêu, tất nhiên rồi. Đôi khi người ta cố gắng bấu víu vào tình yêu và luôn thất vọng. Tôi uống cà phê vì vị đắng của nó an ủi được lòng tôi. Để thấy hóa ra đời sống này đắng cay mới là chính" - ông từng chia sẻ.

Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như: Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)...

Phú Quang nói chuyện duyên dáng, cư xử lịch thiệp. Ông thích ngồi cà phê phố cổ mỗi sáng, trò chuyện với bạn bè, tìm cảm hứng sáng tác. Tay cầm điếu xì gà, mắt mơ màng đọc thơ trong quán nhỏ, ông thỉnh thoảng được người hâm mộ đến tâm tình, xin chữ ký. Ở tuổi cổ lai hy, Phú Quang hay đùa rằng ông vẫn có phụ nữ thần tượng, một phần cũng nhờ mác "trai phố cổ". Nhạc sĩ có ba đời vợ, những ngày cuối đời, người vợ thứ ba - Anh Thư - túc trực chăm sóc ông.

Là nghệ sĩ nhưng ông giỏi tính toán, thức thời, thừa hưởng tài kinh doanh từ mẹ, vốn là dân buôn bán ở Kẻ Chợ. Khi còn sống, ông hay đùa: "Vui là chính, kiếm tiền là chủ yếu". Ông đều đặn tổ chức show mỗi năm, nắm được từng khâu dù có trợ lý.


Với nghệ thuật, nhạc sĩ cẩn trọng, khắt khe. Ông ghét ai hát sai lời, nhạc của mình, cũng không thích nghệ sĩ nữ mặc hở hang hát nhạc ông. Tính thẳng thắn nên Phú Quang chẳng ngại mếch lòng ai, từng mắng Thanh Lam, Thu Phương vì tự ý sửa nốt, "phiêu" quá đà. (Ảnh: Nhạc sĩ Phú Quang (đứng) và ca sĩ Thanh Lam)

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài ca khúc, Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hòa tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt phần âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến tháng Mười (Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (Đạo diễn Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (tập 1, Đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (Đạo diễn Trần Mỹ Hà).

Nhạc sĩ Phú Quang qua đời ở tuổi 72, lúc 8h45 sáng 8/12, sau gần hai năm nằm viện vì biến chứng bệnh tiểu đường. Ông lâm bệnh nặng hồi giữa năm ngoái. Ông phải dùng máy thở, nằm trong phòng vô trùng. Con gái ông - nghệ sĩ Trinh Hương - cho biết trước khi mất, nghệ sĩ phải ăn qua ống xông, yếu sức nhưng ông vẫn nhận ra người thân. Vào tháng 7 vừa qua, gia đình tổ chức tiệc sinh nhật cho Phú Quang, khi đó, ông vui vì được nhận hoa và quà. Trước khi nhập viện, dù sức khỏe không tốt, ông vẫn miệt mài làm việc.

Theo thông tin từ gia đình, tang lễ của nhạc sĩ Phú Quang sẽ được tổ chức từ 7h đến 8h45 ngày 13/12 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu diễn ra vào 8h45 cùng ngày. Sau đó, thi hài của nhạc sĩ Em ơi Hà Nội phố sẽ được an táng tại công viên tưởng niệm Thiên Đức, huyện Phù Ninh, Phú Thọ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lễ tang của nhạc sĩ Phú Quang sẽ được gia đình tổ chức đơn giản và tuân thủ các biện pháp phòng dịch. "Với sự yêu mến cố nhạc sĩ, chúng tôi biết rằng sẽ có rất nhiều quý vị khán giả, bạn bè đồng nghiệp sẽ đến phúng viếng, tiễn đưa nhạc sĩ Phú Quang về nơi an nghỉ cuối cùng. Tuy nhiên, vì sự căng thẳng của dịch bệnh, kính mong tất cả mọi người mang theo khẩu trang, nước rửa tay và giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo vệ sinh dịch tễ khi tham gia chương trình tang lễ" - gia đình nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ.