Lấy chất liệu là những truyền thuyết đô thị mang tính tâm linh kinh dị, “Chuyện ma gần nhà” đột phá với những cảnh quay chân thật khiến khán giả hoảng sợ nhưng chưa đủ để tạo bất ngờ lớn.
Khai thác mô tuýp quen thuộc và làm mới bằng kỹ thuật qua phim chỉn chu
“Chuyện ma gần nhà” của đạo diễn Trần Hữu Tấn được thực hiện theo dạng tuyển tập, gồm 3 mẩu chuyện nhỏ xoay quanh những truyền thuyết đô thị và nhân gian đáng sợ chưa rõ thực hư. Phim mở đầu bằng nhóm bạn 5 người thách nhau kể chuyện ma trong lúc nhà cúp điện, một cách “vào đề” khá tự nhiên và rất quen thuộc trong các tác phẩm thể loại kinh dị.
Câu chuyện đầu tiên “Chuyện ma gần nhà” lồng ghép khéo léo giữa tình tiết gay cấn và hiệu ứng âm thanh, hình ảnh
Câu chuyện đầu tiên của “Chuyện ma gần nhà” mang hơi hướng “Họa bì” của Trung Quốc, kể về cô gái trẻ Ngọc Minh (Như Đan đóng) với đam mê và tham vọng diễn xuất. Ngọc Minh mừng rỡ khi được thần tượng Ái Như (Khả Như) chọn nhận làm học trò. Cô gái non dạ háo hức dọn về ở chung với Ái Như và thẳng thừng chia tay luôn bạn trai lâu năm, mà không ngờ bản thân đã bước vào cái bẫy đánh đổi bằng gương mặt xinh đẹp và cả mạng sống của mình.
Phim bị chê có một số phân đoạn lạm dụng những màn jump scare và mô-típ “chỉ là giấc mơ” để gây sợ hãi
Phần 2 có phần “xoắn não” hơn khi khắc họa hai bố con Thoại Phi (nghệ sĩ Mạc Can) và Đinh Phi (Huỳnh Thanh Trực) khi bị cuốn vào các tình huống kỳ bí khó hiểu tại khu chung cư mình đang sống. Cuối cùng, họ mới muộn màng nhận ra tính thật - giả của mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Phần cuối “Chuyện ma gần nhà” theo chân nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) đi tìm lại hài cốt của một cô gái. Hành trình trở nên khó khăn khi Bích phát hiện nhiều mắc xích kì lạ có liên quan đến chính mình.
Phần 3 “Chuyện ma gần nhà” được quay ở nhiều bối cảnh rộng lớn như nghĩa địa, cánh đồng, đường phố
Cả 3 câu chuyện nhỏ trong “Chuyện ma gần nhà” đều không quá khó đoán. Song, phim vẫn lôi cuốn được người xem nhờ bối cảnh rùng rợn, kiểu quay phim xa - gần theo từng nhịp phim và chất nhạc cùng âm thanh giọng nói, tiếng bước chân, hơi thở… đem đến sự thót tim ở những phân đoạn ma mị. Ê kíp cũng tận dụng tốt hiệu ứng ánh sáng leo lắt kết hợp các mảng sáng – tối to rõ để tạo nên không gian ngộp thở đầy bi kịch.
Điểm yếu của khâu kịch bản và kỹ xảo
Điểm cộng lớn nhất của “Chuyện ma gần nhà” nằm ở khâu hình ảnh. Khung cảnh Sài Gòn thời xưa hoa lệ đằm thắm với xe nước mía, xích lô hay phong cách thời trang quý phái trong trẻo với kiểu máy nhắn tin… được đoàn làm phim chăm chút kỹ lưỡng. “Chuyện ma gần nhà” thành công đem đến cho khán giả một Sài Gòn thuở xưa đầy hoài niệm.
Kỹ xảo, tạo hình quỷ mất đầu, ma thiếu nhi còn chưa ấn tượng
Tuy nhiên, điểm cộng này vẫn không cứu nổi những kỹ xảo, tạo hình ma quỷ thiếu chân thật trong “Chuyện ma gần nhà”. Các cảnh con ma không đầu chạy lung tung, quỷ nhỏ rượt đuổi, oan hồn vất vưởng… có phần “nhẹ đô” hơn nhiều so với những gì phim từng quảng bá. Phân đoạn “thay da đổi thịt” trong tác phẩm cũng chưa thật sự ấn tượng hay khiến khán giả sởn gai ốc.
Bên cạnh đó, kịch bản “Chuyện ma gần nhà” có phần bị đuối khi càng đi đến phần cuối. Mẩu chuyện 1 hoàn thành nhiệm vụ “mở hàng” rất tốt, nhưng đến phần 2 và phần 3 của phim lại trở nên rối rắm. Ý đồ của đạo diễn không được thể hiện rõ ràng, nội dung luẩn quẩn khiến người xem chỉ muốn “tua nhanh” cho đến đoạn kết. Đặc biệt, sự liên kết của cả 3 phần phim đều rất kém. Đến cuối, tình huống của nhóm bạn kể chuyện ma cũng diễn ra không bất ngờ.
Màn tái xuất ấn tượng của nghệ sĩ Mạc Can và Vân Trang
Trong 2 phần cuối của “Chuyện ma gần nhà”, diễn xuất tinh tế của nghệ sĩ Mạc Can và Vân Trang đưa câu chuyện chạm đến gần hơn với khán giả dù nội dung có vấn đề. Thoại Phi của nghệ sĩ Mạc Can và Bích của Vân Trang không có quá nhiều thoại, cả hai thể hiện chuyển biến tâm lý nhân vật bằng ngôn ngữ hình thể linh động và biểu cảm đa dạng.
Đặc biệt, ở cảnh cuối mỗi phần phim, nghệ sĩ Mạc Can và Vân Trang gây ám ảnh bằng ánh mắt hụt hẫng, trống rỗng lẫn bàng hoàng. Vai diễn trong “Chuyện ma gần nhà” cũng đánh dấu màn tái xuất thành công của hai gương mặt nổi tiếng với màn ảnh rộng.
Nghệ sĩ Mạc Can hoàn thành tốt vai diễn
Vân Trang có màn tái xuất thành công trên màn ảnh rộng
Ngoài nghệ sĩ Mạc Can và Vân Trang, thì Khả Như cũng cho thấy sự tiến bộ lớn qua vai Ái Như bí ẩn của “Chuyện ma gần nhà”. Các diễn viên trẻ như Như Đan, Huỳnh Thanh Trực, Xuân Phúc… đóng tròn vai. Các tên tuổi gạo gội như Hữu Tiến, NSƯT Ngọc Hiệp, nghệ sĩ Hồng Sáp… lên hình không nhiều nhưng vẫn hoàn thành tốt vai trò dẫn dắt tình tiết phim.
Cái kết của nhóm bạn thân kể chuyện ma còn “lấn cấn”
Khả Như có bước tiến dài với vai Ái Như
Dàn nghệ sĩ gạo gội cũng là điểm sáng của phim
Nhìn chung, “Chuyện ma gần nhà” chưa đạt đến kỳ vọng của khán giả Việt về một bộ phim kinh dị “nặng đô” đúng nghĩa. Dù vậy, đứa con tinh thần của đạo diễn Trần Hữu Tấn, một bộ phim không có cái kết phi lý và không có những yếu tố “nằm mơ” hoặc người giả ma, vẫn được xem là một hướng đi mới lạ cho dòng phim kinh dị Việt Nam.