ĐỜI SỐNG

Sốt xuất huyết tăng mạnh và cảnh giác với các dấu hiệu khi bệnh trở nặng

Lan Hương • 23-08-2022 • Lượt xem: 308
Sốt xuất huyết tăng mạnh và cảnh giác với các dấu hiệu khi bệnh trở nặng

Theo các số liệu được ghi nhận của Cục Y tế dự phòng trong 5 tháng đầu năm 2022, riêng tại TP.HCM số ca mắc sốt xuất huyết tăng 46,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng ca mắc sốt xuất huyết trong cả nước tính đến nay là hơn 145.000 người và đã có 53 ca tử vong.

Mùa mưa cũng là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát nhiều nơi, cao điểm vào tháng 6 đến tháng 10 âm lịch và giảm dần vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, những ngày gần đây tỷ lệ sốt xuất huyết gia tăng đột biến và có nhiều trường hợp chuyển biến nặng cũng như nguy kịch.

Sốt xuất huyết do chủng virus Dengue, đây là chủng virus phát triển tốt trong môi trường nhiệt đới. Bệnh không lây truyền qua đường hô hấp như một số các bệnh khác mà sẽ thông qua một vật thể trung gia là muỗi vằn.

Muỗi vằn có tên Aedes aegypti, chúng gây bệnh cho người bằng cách đốt. Muỗi Aesdes aegypti chỉ hoạt động vào ban ngày và đặc biệt, chỉ có muỗi cái mới có thể đốt người và lây truyền bệnh. Virus Dengue ủ bệnh trong cơ thể muỗi vằn từ 8 – 11 ngày. Vì thế nếu bạn bị muỗi mang mầm bệnh đốt thì virus sẽ được lây truyền.

Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trong đó DEN-2 là nghiêm trọng nhất trong các loại và có thể dẫn đến nguy cơ chảy máu trong, gây sốc thậm chí tử vong.

Một người khi bị nhiễm 1 trong 4 chủng chủng virus nhắc đến ở trên trên thì sẽ hình thành miễn dịch với type đó, nhưng vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết từ các chủng khác. Thế nên những người sống trong vùng dịch có thể mắc sốt xuất huyết nhiều hơn một lần. Sốt xuất huyết thường lây lan thành dịch và bùng phát tại các nơi đông dân cũng như các thành phố lớn.

Cảnh giác với các dấu hiệu của sốt xuất huyết khi bệnh trở nặng

Thông thường các biểu hiện của sốt xuất huyết bao gồm:

+ Sốt cao, có khi lên đến 40,5 độ C

+ Đau đầu

+ Đau cơ, khớp

+ Đau phía sau mắt

+ Buồn nôn, nôn

+ Phát ban…

Đây là các triệu chứng điển hình ở thể nhẹ và không gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh sẽ khởi phát ban đầu với các triệu chứng sốt kéo dài 3 - 14 ngày từ khi bị muỗi truyền bệnh. Các nốt ban đỏ có thể xuất hiện sau 3 - 4 ngày khi bắt đầu sốt và giảm dần sau 1 - 2 ngày.

Trong những ngày đầu, người bệnh có thể ở nhà uống thuốc hạ sốt (điển hình như paracetamol để hạ sốt và giảm đau), bù nước và điện giải bằng oresol. Không tự ý uống các thuốc giảm đau khác như aspirin, ibuprophen… bởi các thuốc này có thể làm tăng biến chứng chảy máu.

Theo TS.BS Nguyễn MinhTuấn (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, trong khoảng 3 - 4 ngày sau khi có dấu hiệu của bệnh, cần chú ý theo dõi kỹ các triệu chứng cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng. Ban đầu nhiệt độ cơ thể sẽ giảm dần, tuy nhiên lúc này không nên chủ quan rằng bệnh đang hồi phục mà có thể bệnh đang trở nên nghiêm trọng.

Thời gian này người bệnh cần được theo dõi sát sao hơn, khi xuất hiện các triệu chứng khác kèm theo như:

+ Đau bụng

+ Không ăn uống được

+ Nôn mửa liên tục

+ Nôn ra máu

+ Chảy máu nướu răng

+ Tim đập nhanh

+ Khó thở

+ Cảm giác bồn chồn

+ Mệt nhiều hơn

Đây là những cảnh báo bệnh đang trở nên nguy kịch, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kịp thời điều trị.

Hiện nay, nhiều người có xu hướng tự ý truyền dịch để bù nước cho cơ thể khi bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên việc làm này không được khuyến cáo vì có thể gây ra các tổn thương gan thận và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Làm thế nào phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm sốt xuất huyết hiệu quả

Các chuyên gia dịch tễ nhận định, thời điểm tháng 9 đến tháng 10 năm nay là cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Hiện nay vẫn chưa có vacxin và thuốc đặc hiệu để điều trị, vì thế tiêu diệt muỗi vằn chính là biện pháp phòng ngừa tốt nhất, khi đó nguy cơ bùng dịch sẽ giảm đi đáng kể.

Tích cực diệt muỗi tận gốc

Loại bỏ tất cả các vật chứa nước, những khu vực muỗi có thể đẻ trứng và loăng quăng có thể sinh sống. Phát quang bụi rậm, dọn dẹp phế liệu, thu gom rác thải thường xuyên. Che đậy các lu nước, thường xuyên thay nước lọ hoa, lật úp các vật chứa khi không sử dụng, tránh để nước đọng lâu ngày.

Bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ muỗi đốt

Cần thay đổi thói quen sinh hoạt, ở những nơi nhiều muỗi nên ngủ màn kể cả ban ngày. Mùa mưa nên hạn chế ra ngoài vào buổi chiều hoặc tối, không đến những nơi ẩm thấp hay um tùm cây cối. Mặc quần áo dài tay và sáng màu khi ra ngoài, thoa kem chống muỗi hoặc tinh dầu chống muỗi để giảm nguy cơ muỗi đốt.

Ngoài ra phun thuốc diệt muỗi quanh nhà, tẩm màn bằng hóa chất diệt côn trùng, dùng đèn bắt muỗi, nhang muỗi cũng góp phần đáng kể việc đẩy lùi muỗi vằn xâm nhập và lây bệnh.