Duyên Dáng Việt Nam

Tảo xanh độc hại đe dọa nguồn cá của nhiều nước châu Á

Thiên Dung • 09-05-2020 • Lượt xem: 832
Tảo xanh độc hại đe dọa nguồn cá của nhiều nước châu Á

Hiện tượng tuyết tan liên tục ở dãy Himalaya đang khiến tảo xanh độc hại phát triển và lan nhanh đến mức từ không gian có thể nhìn thấy rõ một màu xanh lấp lánh. Điều này đang đe dọa nguồn cá, ảnh hưởng an ninh kinh tế của nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và cả Việt Nam.

Tin, bài liên quan:

Hiện tượng hiếm gặp: Bãi biển phát sáng màu xanh neon

Những bức ảnh Trái đất bị tàn phá, rúng động người xem

'Đóng cửa' 6 bãi biển ở Pháp do tảo nở hoa

Hình ảnh của Cơ quan nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) chụp từ không gian cho thấy loài tảo độc hại Noctiluca scintillans đang phát triển mạnh mẽ ở châu Á. Chúng tạo thành một vùng nước xanh sáng “lấp lánh” dọc theo bờ biển Ả Rập. Tảo Noctiluca ăn hết các sinh vật phù du, vốn là thức ăn của nhiều loài cá, khiến nguồn cá ở biển Ả Rập cạn kiệt, ảnh hưởng đến các nền kinh tế, trong đó có Ấn Độ, Pakistan.

Noctiluca nở hoa ở biển Ả Rập, nhìn từ không gian, ảnh hưởng đến bờ biển của các quốc gia như Ấn Độ và Pakistan

Đây là một nghiên cứu mới của Hoa Kỳ dựa trên hình ảnh từ NASA cho thấy việc tuyết tan liên tục trên khu vực Himalaya-Tibbetan Plateu khiến gió mùa thổi từ đất liền ra ngoài khơi ấm và ẩm hơn, bề mặt đại dương ấm hơn, thích hợp cho loài tảo xanh độc hại Noctiluca scintillans sinh sôi, nảy nở với “tốc độ đáng báo động” ở một số nước châu Á. 
Nhà khoa học Joaquim Goes ở Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia nhận định: “Đây có lẽ là một trong những thay đổi mạnh mẽ nhất liên quan đến biến đổi khí hậu. Tảo Noctiluca xuất hiện ở Đông Nam Á, ngoài khơi bờ biển Thái Lan và Việt Nam, và cả ở tận phía nam như Seychelles, trở thành một vấn nạn của nghề cá nhiều nước”.


Vùng nước ven biển màu xanh đục ở Chonburi, Thái Lan được chụp vào năm 2017, do tảo Noctiluca scintillans nở hoa

Tảo Noctiluca scintillans là một sinh vật phù du có kích thước nhỏ tính bằng milimet có khả năng phát sáng, phát triển mạnh ở vùng nước ven biển, tạo thành những xoáy và sợi màu xanh lá cây dày. Chúng vừa có thể quang hợp vừa săn lùng các sinh vật phù du khác trong nước biển để ăn. 

Tảo Noctiluca xuất hiện lần đầu tiên vào cuối những năm 1990, chúng nở hoa hàng năm và kéo dài trong nhiều tháng, tận diệt các sinh vật phù du vốn là thức ăn của nhiều loài cá ở biển Ả Rập. Điều này đe dọa sự phong phú của các loài cá, ảnh hưởng đến hoạt động nghề cá, vốn là kế sinh nhai của hơn 150 triệu người.
Nhà khoa học Joaquim Goes cho biết: “Nó cũng gây hại cho chất lượng nước và gây ra nhiều vụ cá chết”.

Tảo Noctiluca vừa có thể quang hợp vừa ăn các sinh vật phù du khác trong nước biển 

Các thí nghiệm cùng dữ liệu thực địa và tư liệu hình ảnh vệ tinh của NASA cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của tảo Noctiluca ở biển Ả Rập có liên quan mật thiết với việc các sông băng tan chảy và gió mùa mùa đông suy yếu.

Thông thường, gió mùa đông lạnh lẽo thổi từ dãy Himalaya làm mát bề mặt đại dương. Sau đó, những vùng nước này chìm xuống và được thay thế bằng những vùng nước giàu dinh dưỡng từ bên dưới, hỗ trợ sinh vật phù du phát triển, tạo nguồn thức ăn phong phú cho các loài cá.

Tuyết tan trên dãy Himalaya khiến tảo Noctiluca sinh sôi với tốc độ đáng báo động

Tuy nhiên, do tuyết tan trên dãy Himalaya làm cho gió mùa thổi từ đất liền ấm và ẩm hơn làm gián đoạn quá trình này và dẫn đến vùng nước trên bề mặt đại dương ít chất dinh dưỡng hơn. Đây là điều kiện thuận lợi cho tảo Noctiluca, vốn không phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời và chất dinh dưỡng, nhưng có thể sống bằng cách ăn các sinh vật khác. Noctiluca có thể tự đẩy mình đi và ăn bất kỳ sinh vật phù du siêu nhỏ nào trong nước xung quanh nó.
Trong khi đó, tảo Noctiluca lại không phải là “món ngon” của các loài cá, chỉ có sứa và salps - một động vật không xương sống ở biển mới ăn tảo Noctiluca. 

Nhà khoa học Khalid Al-Hashmi của Đại học Sultan Qaboos, Ô-man, đồng tác giả của nghiên cứu cầm một chai nước biển bị nhiễm tảo độc Noctiluca

Các nhà máy khử muối, lọc dầu và nhà máy khí đốt tự nhiên tại Ô-man buộc phải giảm quy mô hoạt động vì tảo Noctiluca nở hoa dày đặc. Việc thiếu hụt nguồn cung thực phẩm biển cũng có thể làm gia tăng nạn cướp biển và đe dọa an ninh kinh tế ở các quốc gia như Yemen và Somalia. 
Nghiên cứu này cũng cung cấp bằng chứng mới về tác động của việc Trái đất nóng lên đối với các cơn gió mùa Ấn Độ.

(Theo Daily Mail)