Duyên Dáng Việt Nam

Thương tiếc nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy

Trương Điện Thắng • 11-08-2021 • Lượt xem: 11881
Thương tiếc nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy

Trước năm 1975 tôi được biết đến một Trương Duy Hy (Thy Hảo) từng giành giải thưởng văn học ở thể loại ký sự liên quan đến cuộc chiến ở đường 9 Nam Lào, nhưng không biết anh là ai. Không ngờ đó lại là một người cùng họ Trương, vốn dòng dõi Trương Đôn Hậu ở Hội An…

Tin và bài liên quan: 

Nhà báo Nguyễn Công Khế: Nhân loại đớn đau

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Phan Tam Khê và bí mật những dòng suối nhỏ

Nhà thơ Nguyễn Kim Huy: Văn chương miền Trung: Những viên ngọc quý

Một người Việt từng đoạt giải Oscar Điện ảnh về kỹ thuật vừa ra đi vì Covid-19

Sau ngày thống nhất, đến mãi sau năm 1985 tôi mới hân hạnh gặp anh, khi tôi về làm việc ở tạp chí Đất Quảng. Đến năm 1993, nhà văn quá cố Hoàng Minh Nhân phụ trách công tác hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng mới giới thiệu kỹ càng về anh. Cùng năm đó, nhà văn Hồ Duy Lệ - Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng tổ chức in lần đầu cuốn biên khảo “Tú Quỳ, danh sĩ Quảng Nam” nhưng “cực chẳng đã” phải bỏ tên thật mà chỉ lấy bút danh Thy Hảo, chỉ vì anh có lý lịch là sĩ quan Việt Nam cộng hòa và từng nhận giải thưởng văn học từ chế độ cũ!

Sau này anh Trương Duy Hy cũng cho tôi biết anh đã vất vả thế nào để chạy hết các cửa để con anh được vào đại học chỉ vì cái lý lịch ấy, mà cũng may nhờ có “các vị lãnh đạo tốt bụng” trong lĩnh vực văn hóa, như lời anh nói. Phận gà trống nuôi con sau ngày vợ anh, chị Thanh Thảo mất, anh đã mở một lớp dạy thêm tại nhà trên đường Đống Đa, vừa say sưa nghiên cứu. Riêng sự nghiệp nghiên cứu về Tú Quỳ, anh đã mất đến 40 năm, lăn lộn thực địa, điền dã, phỏng vấn, chụp ảnh, làm việc với tộc họ Huỳnh ở quê hương Đại Lộc.


Một số tác phẩm nghiên cứu về Đất và Người Quảng Nam của tác giả Thy Hảo Trương Duy Hy.  (Ảnh tư liệu của Trương Nguyên Ngã)

Anh kể, sự yêu quý Tú Quỳ đã được cha anh là cụ Trương Đình Bá truyền lại từ lúc anh mới lên 10 tuổi. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân giới thiệu trong ấn bản “Thơ văn Tú Quỳ” - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 1995 (đã lấy lại tên Trương Duy Hy) nhận xét: “Điều phải kể trước hết là công việc suốt 40 năm ròng của nhà sưu tầm Trương Duy Hy. Việc khôi phục tác phẩm Tú Quỳ được ông Hy tiến hành chủ yếu bằng con đường điền dã bởi hầu như không tìm được trong các tàng thư, chỉ vì yêu mến và kính trọng, có lẽ chỉ vì thương cho một di sản có thể bị mất đi mãi mãi... Vậy là việc nghiên cứu, đánh giá thơ văn Tú Quỳ, từ nay mới có thể bắt đầu”.

Ngoài nhiều cuốn biên khảo sưu tầm về thơ văn và sự nghiệp Tú Quỳ, Trương Duy Hy còn viết các tác phẩm giá trị khác như “Khoa bảng Quảng Nam”, “Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên”, “Tác giả tác phẩm Quảng Nam Đà Nẵng (1885-1945)”...


Ấn bản “Thơ văn Tú Quỳ” của nhà nghiên cứu Trương Duy Hy.

Sống cùng ở Đà Nẵng, tôi thường gặp nhà nghiên cứu Trương Duy Hy. Những lần nhà văn Cung Tích Biền từ Sài Gòn về quê, chúng tôi lại gặp nhau, lúc ở biển lúc ở dọc bờ sông Hàn và vừa uống bia vừa nói chuyện. Tôi ngồi nghe các bậc huynh trưởng nói chuyện và học được nhiều điều. Nhớ nhất là các anh nói về nghệ thuật viết chữ Việt nghệ thuật và chữ tượng hình. Cả hai anh đều phản đối viết thư pháp, anh Hy vẫn luôn bảo vệ ý kiến của mình, chữ tượng thanh như chữ Việt thì không thể là thi pháp được; còn anh Biền thì dẫn chứng những câu chuyện về nghệ thuật thư pháp từ bên Tàu để phản bác mấy nhà “thư pháp chữ Việt”.

Những lúc có sách mới, anh Hy thường chạy xe máy đến nhà tôi để tặng với sự vui mừng lộ rõ trên khuôn mặt, dù tôi vẫn biết in một quyển như vậy rất tốn công mà tiền bạc thì chẳng là bao! Những lúc như vậy, bên cạnh niềm vui anh lại kể về những khó khăn của cuộc sống khiến tôi rưng rưng.


Nhà nghiên cứu Trương Duy Hy (trái) và nhạc sĩ Trương Đình Quang. Ảnh: T.Đ.T

Sau này, tôi lại gặp anh khi anh cùng nhạc sĩ Trương Đình Quang về Hội An tham gia công việc trong gia tộc Trương Đôn Hậu và các hoạt động chung khác với bà con họ Trương khu vực miền Trung. Không nói chuyện chữ nghĩa văn chương trong những dịp ấy, nhưng chúng tôi vui như gặp lại những người thân cùng một gia đình.

Tôi viết những dòng này thay nén tâm hương tiễn biệt anh Trương Duy Hy, vì giãn cách xã hội do dịch Covid-19 mà không đến tiễn được anh!

Nhà báo, nhà văn Trương Điện Thắng