Tranh cát chiếm được thiện cảm của nhiều người bởi giá trị nghệ thuật độc đáo và khả năng sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ của người nghệ sĩ khi biến những hạt cát vô tri thành bức tranh sống động như thật.
Tranh cát (họa cát hoặc họa cát kim sa) là hình thức nghệ thuật sử dụng cát màu, bột khoáng chất, tinh thể hay các sắc tố có nguồn gốc tự nhiên, chất liệu tổng hợp để tạo hình theo ý đồ của người họa sĩ. So với các chất liệu là gỗ, giấy, thủy tinh, tranh cát là thể loại tranh khá đặc biệt khi chúng được làm với chất liệu cát với những màu sắc bắt mắt, chi tiết tỉ mỉ vào những ly, lọ hay các khung thủy tinh rất độc đáo.
Biểu tượng văn hóa tâm linh
Vẽ tranh cát nghệ thuật không chỉ được coi là một bộ môn nghệ thuật mà nó còn thể hiện nét đẹp của những nền văn hóa khác nhau.
Vào thời kỳ đầu, loại tranh này chỉ phục vụ chủ yếu cho mục đích chữa bệnh và tôn giáo. Từ xa xưa, bộ tộc thổ dân Tây Nam Mỹ hay Úc thường gọi tranh cát là Dry Painting, các thầy lang hay pháp sư sẽ vẽ tranh trên mặt đất hay các tấm da động vật, tấm vải. Người dân tại đây tôn kính coi tranh cát như một hình thức mang ý nghĩa tâm linh để tế thần linh tại các buổi lễ trang trọng và khi thực hiện họ sẽ đều tuân theo một quy tắc lễ nghi cũng như trình tự nghiêm ngặt.
Tranh cát có lịch sử lâu đời trên toàn thế giới với ý nghĩa tâm linh
Tại Phật giáo Tây Tạng, nghệ thuật tranh cát còn được gọi với cái tên khác là Mạn Đà Là. Cũng vì đại diện cho Phật Giáo nên tranh cát thường mang ý nghĩa tâm linh cõi Phật.
Tại Mỹ, trong thời kỳ cận đại, tranh cát nghệ thuật phát triển đầu tiên với bậc thầy nghệ thuật nổi tiếng là nghệ nhân Andrew Clemens. Ông bị điếc từ nhỏ nhưng ngay từ năm 19 tuổi, ông đã tạo ra những tác phẩm tranh cát nghệ thuật chi tiết với màu sắc sống động bằng cách thu cát có trong tự nhiên và rải chúng trong các lọ thủy tinh. Khi truyền bá sang các nước khác như Anh, Ấn Độ, tranh cát nghệ thuật cũng được biến tấu dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tranh cát trong triết lý phương Đông ở Tây Tạng
Ở Nhật Bản, nghệ thuật vẽ tranh cát bắt nguồn từ thế kỷ thứ 15 dưới thời các Shogun. Tranh cát có nét độc đáo riêng được thể hiện qua sự tỉ mỉ và độ bền với thời gian. Không chỉ cát mà cả sỏi, đá mà các dụng cụ như lông chim, cọ mềm, thìa,… cũng được các nghệ nhân Nhật Bản tận dụng để tạo ra khung cảnh thiên nhiên đẹp và đem lại hiệu ứng hình ảnh chân thực, có chiều sâu cho tác phẩm nghệ thuật.
Vẻ đẹp tranh cát Việt Nam
Tại Việt Nam, tranh cát nghệ thuật được khai sinh từ năm 1997, trải qua thời kỳ phát triển dài với nhiều tên tuổi họa sĩ nổi bật như Ý Lan, Phan Anh Vũ, Trí Đức... Nhiều buổi biểu diễn đã tạo được tiếng vang lớn và mở đầu cho nhiều loại hình tranh cát ở Việt Nam ra đời và đang dần trở nên phổ biến.
Tranh cát đòi hỏi người nghệ nhân tỉ mỉ và sáng tạo từng chi tiết
Chất liệu cát sử dụng vẽ tranh được các họa sĩ tìm kiếm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên tại hơn 3.000 km2 đường bờ biển trải dài. Nguồn cát tốt phải kể đến là ở Phan Thiết, bờ biển miền Trung Nam Bộ, hoặc cát chọn lọc từ sông, suối. Chất lượng loại cát được sử dụng phải thật mịn và được lọc sạch tạp chất, có màu sắc tự nhiên phù hợp để tạo nên sự sống động và tính chân thực cho tác phẩm.
Màu sắc đa dạng của cát
Nước ta hiện nay được thống kê có khoảng 81 màu cát tự nhiên, nhưng với yêu cầu tả thực trong tranh thì con số này chưa đáp ứng được. Do đó người ta đã nhuộm cát để có được màu sắc mong muốn. Trong quá trình chọn mua cát nhân tạo, nên chọn loại cát đã được nhuộm màu chuyên dụng để giữ độ bền lâu cho tác phẩm.
Các thể loại chính của tranh cát nghệ thuật Việt Nam là tranh cát phong cảnh và tranh cát chân dung. Trong đó, tranh cát phong cảnh, di tích lịch sử là loại tranh phổ biến nhất. Tuy nhiên, độ khó hơn là tranh cát vẽ chân dung bởi đòi hỏi sự khéo léo của tác giả là khi thể hiện đường nét mỗi mắt mũi hay những nếp nhăn trên cơ thể. Những hạt cát tuy vô tri nhưng được các nghệ nhân thổi hồn vào tạo ra những bức tranh sống động và rất thật. Ngoài ra, còn có tranh cát nghệ thuật thư pháp phong với nét độc đáo riêng.
Tranh cát phong cảnh và tranh cát chân dung
Tại Việt Nam, thường thấy hai loại hình: tranh cát tĩnh và tranh cát động.
Ở tranh cát động, cái tài và sự tập trung cao độ của người nghệ sĩ thể hiện ở việc vẽ nên những bức tranh cát trên mặt kính màu trắng kết hợp bên dưới là hệ thống đèn chiếu sáng LED. Chỉ trong vài giây, họ có thể biến hóa từ một bức tranh này sang bức tranh khác và kể nên một câu chuyện có nội dung. Kỹ thuật này đòi hỏi các đạo cụ được sử dụng cũng được thiết kế chuyên nghiệp để đem lại hiệu ứng hình ảnh rõ nét, chiều sâu cho phần trình diễn cũng như cảm xúc cho người xem. Xuyên suốt quá trình biểu diễn tranh cát, người nghệ sĩ sẽ sử dụng một nền nhạc có nhiều khung bậc cảm xúc khác nhau từ nhẹ nhàng cho tới cao trào kết hợp với phong cách diễn xuất đa dạng, độc đáo.
Tranh cát động tạo nên những câu chuyện cảm xúc bằng cát
Có hình thức thể hiện đơn giản hơn, tranh cát tĩnh hướng tới đối tượng cụ thể như chân dung, thư pháp, con người lao động, cuộc sống thường nhật để tôn vinh vẻ đẹp giản dị và hồn Việt. Tuy nhiên yếu tố về chi tiết hình ảnh được đề cao hơn đòi hỏi sự điêu luyện trong kỹ thuật họa cát của người nghệ nhân. Quá trình làm với những thao tác vô cùng tỉ mỉ và kiên nhẫn, độ chính xác và đầu tư công sức cao, từ chọn màu cát tới kỹ năng đi nét, trải cát thể hiện được thần sắc của đối tượng. Một bức tranh nghệ thuật cát hoàn thiện đòi hỏi phải có chuẩn xác tới từng mi li mét trong cách phối màu cũng như điều chỉnh độ sáng tối để có thể thổi hồn vào cho nhân vật, đem lại thần khí cho tác phẩm.
Tranh cát tĩnh được thực hiện trên những chiếc ly
Tranh cát chảy 3D hiện đại được nhiều bạn trẻ ưa chuộng
Vì vậy, tranh cát nghệ thuật ở Việt Nam không chỉ được coi trọng bởi kỹ thuật họa tranh của người nghệ sĩ mà còn vì ứng dụng trong những sự kiện nghệ thuật lớn, và trở thành những món quà tặng mang ý nghĩa tinh thần, giá trị lâu bền với thời gian.