Hội họa

Tranh gạo nơi ẩn chứa tinh thần Việt

Thiên Đức • 08-11-2018 • Lượt xem: 22012
Tranh gạo nơi ẩn chứa tinh thần Việt

Theo nhiều nghiên cứu thì tranh gạo có xuất xứ từ hội họa của Ấn Độ. Thế nhưng, qua bàn tay và sự sáng tạo của những nghệ sĩ trẻ Việt Nam, dòng tranh này giờ đây đã trở nên thu hút và quen thuộc với người Việt. Từ hạt gạo đậm nắng sướng, mồ hôi nước mắt của người gieo trồng ra đó, giờ đây lại hóa thân vào những bức tranh đậm đà hồn cốt Việt Nam như con đò, mái đình, bến nước, cây đa...

Ngày nay trên thị trường, trung bình mỗi bức tranh gạo có giá từ 1 đến 3 triệu đồng, riêng các bức tranh do khách hàng đặt tùy vào kích thước và độ tinh xảo của bức tranh mà giá của nó có thể lên đến 7 triệu đồng. Các cửa hàng tranh gạo đắt khách nhất vào dịp năm mới, đặc biệt là có cả khách hàng người nước ngoài. Có lẽ “tiếng lành đồn xa”, ngày càng nhiều người hiểu đúng hơn về tranh gạo, không chỉ là lúc trưng bày mà cả những công đoạn “hậu trường” tỉ mẫn của nó. Lúc đầu khi mới xuất hiện trên thị trường, có người còn cho rằng tranh gạo chỉ là những tấm ván đính gạo, sau đó được người nghệ nhân phun màu tạo hình. Về góc độ nghệ thuật, khi mà các dòng tranh sơn dầu, sơn mài của ta đang còn gặp nhiều trở ngại trước các nhà đánh giá, phê bình nghệ thuât thì tranh gạo chính là một sản phẩm đầy triển vọng.  Hứa hẹn sẽ đưa tranh nghệ thuật Việt Nam làm nên chuyện trong tương lai.

Việc làm ra một bức tranh gạo đẹp không hề đơn giản, nó đòi hỏi người nghệ sĩ những yêu cầu kĩ thuật khá gắt gao. Họ phải thật tỉ mỉ và kiên nhẫn trong từng khâu một.  Hoàn thành một bức tranh gạo sẽ gồm khoảng 7 bước cơ bản:

Bước 1: Lựa chọn gạo làm tranh, mỗi bức tranh là sự tổng hợp của nhiều loại gạo khác nhau như gạo huyết rồng, gạo nếp, gạo tấm, gạo tẻ… Trong đó gạo tẻ được chọn để làm cho những chi tiết mảnh; gạo nếp được chọn để làm những chi tiết to, rộng; gạo tấm được dùng để tạo những chi tiết nhỏ và làm mịn bức tranh. Với mỗi bức tranh theo chuyên môn, người làm tranh sẽ chọn ra những loại gạo phù hợp.

Bước 2: Người nghệ sĩ tiến hành tạo màu cho hạt gạo. Điều đặc biệt của tranh gạo chính là như thế. Bằng cách rang và sấy với những nhiệt độ thích hợp sẽ tạo ra 15-20 màu gạo khác nhau (trắng ngà, vàng , vàng cam, nâu , nâu đỏ, nâu cánh gián, đen…) mà không cần sử dụng hóa chất hay phẩm màu. Người rang gạo có khi phải dùng đũa đảo liên tục để tất cả các hạt gạo đều một màu. Tùy theo màu gạo mà thời gian rang gạo có thể lên đến hơn 2 tiếng đồng hồ. Công đoạn xử lí nhiệt này là cả một quá trình công phu và tỉ mỉ, mới tạo ra màu gạo đẹp, chính xác nhưng vẫn giữ được nguyên hạt gạo.

Bước 3: Nghệ nhân vẽ phác thảo hình ảnh trên khung.

Bước 4: Người nghệ nhân tỉ mỉ sắp xếp từng hạt gạo lên khung gỗ để tạo hình. Ngày nay dù đã có nhiều sự hỗ trợ từ máy móc nhưng ở công đoạn này nhất thiết phải làm hoàn toàn thủ công. Ngoài việc phải thật kiên nhẫn lựa chọn các loại gạo có kích thước và màu sắc phù hợp người nghệ sĩ còn phải cân nhắc kĩ lưỡng, phối hợp hài hòa các phần gạo trong bức tranh.

                   

Bước 5: Người làm tranh phun keo lên bức tranh để cố định gạo.

Bước 6: Phơi khô những bức tranh vừa hoàn thành dưới nắng to. Thông thường phải mất đến 2-3 ngày để gạo khô và đính thật chặt vào khung gỗ.
Bước 7: Xử lý hóa chất để tránh mối mọt, ẩm ướt. Nếu được xử lí cẩn thận một bức tranh gạo có thể giữ được màu sắc bền, đẹp trong khoảng 7 năm. Tất nhiên không thể thiếu khâu đóng tranh vào khung gỗ có mặt kính và cố định.

Có một mẹo nhỏ để bảo quản tranh được lâu hơn là nên để tranh ở nơi khô thoáng, lâu lâu lại đem phơi để tránh ẩm mốc và thỉnh thoảng lấy tỏi thoa đều ngoài khung tranh (vì mối mọt sợ tỏi).