Hiện nay, bệnh đậu mùa khi vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Trước tình hình số ca bệnh đậu mùa khỉ gia tăng ở TP.HCM nhiều người lo ngại về khả năng virus có thể truyền từ mẹ sang thai nhi.
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đậu mùa khỉ gây ra lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người. Các con đường lây truyền của bệnh gồm: lây qua tiếp xúc gần với dịch, mủ, máu, quần áo, chăn ga gối, vật dụng ăn uống, quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp của người bị bệnh và lây truyền từ mẹ sang con.
Tổ chức y tế thế giới WHO đã báo cáo rằng virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh hoặc do tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Who - Tổ chức y tế thế giới
Theo một nghiên cứu quan sát tại Bệnh viện Đa khoa Kole, tỉnh Sankuru, Congo, Châu Phi, từ năm 2007 đến năm 2011 các nhà khoa học đã khảo sát 222 bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ trong đó có 4 phụ nữ mang thai. Kết quả ở 4 phụ nữ mang thai như sau: Một người đã sinh ra một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh, hai người bị sảy thai trong ba tháng đầu tiên và một người bị thai lưu trong ba tháng cuối với các tổn thương da phồng rộp lan tỏa ở đầu, thân và tứ chi, bao gồm lòng bàn tay và lòng bàn chân. Những dấu hiệu này trùng với những dấu hiệu của nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Trẻ sơ sinh mắc đậu mùa khỉ.
Tạp chí y khoa The Lancet cũng đưa ra nhiều tài liệu y học nêu ra phụ nữ mang thai nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sẽ gây mất thai và sinh non. Bệnh đậu mùa khỉ sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn ở phụ nữ có thai đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ. Các dấu hiệu và triệu chứng của phụ nữ có thai giống như ở những người không mang thai bao gồm khó chịu, nhức đầu, sốt, đau họng, ho, nổi hạch phát ban. Phân biệt bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh da liễu của thai kỳ là điều rất quan trọng để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Cho đến nay người ta cũng chưa có dữ liệu về việc mắc bệnh đậu mùa khỉ có làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh hay không. Tuy nhiên phụ nữ mang thai cần cẩn trọng với triệu chứng sốt cao khi mắc đậu mùa khỉ vì sốt cao trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Dấu hiệu bệnh đậu mùa khỉ
Do chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do sức đề kháng còn non yếu nên nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ có các biến chứng nặng hơn. Do đó Who khuyến nghị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe lưu ý theo dõi kỹ các biểu hiện và biến chứng ở phụ nữ mang thai nghi ngờ nhiễm bệnh để giảm thiểu nguy cơ thai nhi nhiễm virus từ mẹ trong quá trình mang thai và sinh nở.
Để đảm bảo an toàn phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai đang mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Không tiếp xúc trực tiếp với vật dụng của người bị bệnh gồm chăn, ga, gối, quần áo, khăn tắm, khăn mặt… không dùng chung cốc uống nước, ăn chung, dùng chung thìa dĩa đũa nên dùng khẩu trang khi đến nơi đông người.
Khám thai theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Nếu phụ nữ mang thai không may mắc bệnh đậu mùa khỉ nên bình tĩnh đi khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong 3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn sàng lọc và xác nhận khả năng sống sót của thai nhi. Trong 3 tháng tiếp theo nên làm sinh trắc học thai nhi cách nhau 10-14 ngày, chụp giải phẫu chi tiết và đo thể tích nước ối để đánh giá tình trạng của thai nhi. Trong 3 tháng cuối ngoài làm những việc như 3 tháng giữa thì làm thêm Doppler thai. Khi đã điều trị khỏi thì mẹ bầu cũng nên cân nhắc việc khám thai 4 tuần/ 1 lần để đề phòng các biến chứng có thể xảy ra với thai nhi.