VĂN HÓA

Vịt nằm bờ mía

Từ Kế Tường • 01-05-2022 • Lượt xem: 1496
Vịt nằm bờ mía

Nhà nào ở thôn quê cũng nuôi vài con vịt, thường là vịt xiêm, hoặc vịt ta để lấy trứng vì hai loại vịt này rất gần gũi với con người. Chúng không đi xa như vịt tàu mà loanh quanh trên mấy bờ mương, bờ mía. Tối, nếu nhà nào không có chuồng vịt riêng, chúng ngủ dưới gầm giường hoặc góc bếp.

Con vịt rất thân thiện với chủ nhà, người nuôi chúng, thường cho chúng ăn nắm lúa, đổ nước đầy máng cho chúng uống. Đặc biệt là với trẻ em. Có lẽ con vịt thân thiện, gần gũi với con người như thế nên đã đi vào ca dao, tục ngữ. Người xưa vốn hay mượn ca dao, tục ngữ để gợi mở câu chuyện về đạo lý ở đời, hay trải lòng, gửi gắm tình cảm một cách ý nhị.

Những câu ca dao thường là thơ lục bát, có vần điệu dễ nhớ và qua truyền khẩu đã trở thành những câu hát ru em của người mẹ, người chị hát ru bên cánh võng trưa. Những câu hát ru em tôi thuộc lòng từ năm 8 tuổi lúc về ở bên nội mà má tôi đã hát ru em gái tôi ngủ có hình ảnh con vịt khiến tôi nhớ mãi:

Vịt nằm bờ mía rỉa lông

Cám cảnh thương chồng đi học đường xa

Đường xa xe lửa chạy cũng gần

Muốn ăn rau é rau tần

Muốn về xứ sở cho gần bên em.

Hồi đó bên hông nhà nội tôi có khoảng đất trống độ chừng nửa công đất, tùy theo mưa hay nắng mà trồng thứ hoa màu phù hợp. Nắng trồng dưa, mưa trồng khoai lang, trồng bí, trồng bắp, nhưng tôi vẫn thích nhất khi má tôi vun liếp trồng mía. Khi mía lên cao, có đốt phải tướt lá và vun gốc, vô phân đánh bờ. Những đốt mía phát triển cần phải tướt lá liên tục để cây mía cao lên, vượt khỏi đầu một đứa trẻ con. Những cây mía đơn lẻ ban đầu sẽ nẩy mầm dưới gốc, mọc thành cây con để phát triền thành bụi mía Thế là bên hông nhà nội tôi đã có một vườn mía xạc xào.

Mía trồng hai hàng nên bờ rộng, phải cuốc đất đắp nhiều nên khoảng trống giữa hai bờ mía thành đường mương. Tháng 10-11 cuối năm, có nhiều giông bão, mưa dầm, dai dẳng tôi thường thấy những con vịt xiêm má tôi nuôi sau khi lội chán chê dưới mương thì lên bờ mía nằm rỉa lông. Mía tuy thành bụi, thân lá rậm rạp, nhưng cây mía lại giòn, dễ gãy. Cuối năm là mùa bão giông, chỉ một đêm mưa giông, gió mạnh thổi qua vườn mía, sáng ra sẽ có những cây mía gãy. Tôi là người được hưởng lợi từ những cây mía gãy đó, ăn mía mệt nghỉ.

Ba tôi đi biền biệt những tháng năm dài, nội tôi già yếu, bệnh tật nằm ho khúc khắc trong buồng, má tôi đưa em gái tôi trên võng dưới nhà sau, cửa nhìn thẳng ra vườn mía trong mưa dầm, giông bão, giá rét. Và những câu hát ru em tôi của má thật buồn: Vịt nằm bờ mía rỉa lông… đã ăn sâu trong tâm khảm tôi từ thuở ấu thơ bên quê nội. Khi về bên ngoại, nhiều đêm tôi vẫn ngủ mơ thấy vườn mía khua động xạc xào bên hông nhà. Hình ảnh vườn mía thật gần gũi với tuổi thơ tôi có lẽ bắt nguồn từ bài hát ru em: 

Vịt nằm bờ mía rỉa lông

Cám cảnh thương chồng đi học đường xa…


(Ảnh minh họa: Lê Quang Xuân)

Những năm tháng má tôi đã qua thời son sắc, bà đã già yếu, loanh quanh một mình trong căn nhà rộng, không còn ở bên nội mà về bên ngoại. Nhà không còn nhà lá như ngày xưa, đất rộng hơn nhưng không còn trồng mía nữa. Mỗi lần tôi về nhà thăm má tôi, ngồi viết bên cửa sổ nhìn ra hồ cá, đồi cúc, vườn nhãn, những hàng xoài cát Hòa Lộc, những hàng cau kiểng chợt giật mình tự hỏi tại sau nhà lại không trồng mía. Tôi bỗng nhớ lắm những bờ mía những khi gió giông khiến những cây mía khua lá xạc xào, nhớ bầy vịt nằm rỉa lông thảnh thơi, nghiêng mắt nhìn mưa, nghe sấm động trên nền trời mù đục nơi quê nội.

Và những lúc ấy kỷ niệm một thời ấu thơ chợt hiện về, thật đẹp, mà cũng thật ngậm ngùi. Và càng ngậm ngùi hơn đâu chỉ có nhà tôi dưới quê là không còn trồng mía? Cả làng, cả xã hầu như không còn ai trồng mía, một thứ cây quê mùa, dân dã, ngọt ngào, gắn bó với mọi tuổi thơ đời người như những câu hát ru em của má tôi ngày xưa giờ chắc chỉ còn trong tâm tưởng, trong hoài niệm.

Những lúc đắm chìm trong ký ức như thế tôi thường tự hỏi một cách lẩn thẩn: sao bây giờ người quê tôi lại không trồng mía? Mía trồng quanh nhà thường là mía ăn thân mềm, mập, nhiều nước chứ không phải mía ép đường thân cứng, lòng khòng. Đó là loại mía ngự thân màu nâu hoặc mía tây thân màu trắng phớt xanh. Tôi bỗng chạnh lòng vì bây giờ ở quê mà không còn thấy hình ảnh của cây mía, con vịt như trong câu hát ru em. Bảo sao trẻ con bây giờ lại thích chơi gamse bắn cá, gamse bạo lực, sống ảo… vì những câu hát ru ý nhị ngày xưa đã mất dần. Những người mẹ, người chị bây giờ không biết hát ru em nữa vì không thuộc ca dao, bảo sao trẻ con bây giờ tâm hồn đã sớm chai cứng, lệch chuẩn với nền tảng văn hóa, đạo đức của thế hệ trước?