VĂN HÓA

Cổ phục Việt Nam ngày càng được người trẻ yêu thích

Lan Hương • 25-10-2022 • Lượt xem: 581
Cổ phục Việt Nam ngày càng được người trẻ yêu thích

Trong vài năm trở lại đây, cổ phục Việt Nam dường như đã quay trở lại và xuất hiện gần gũi hơn với cuộc sống. Đây là tín hiệu đáng mừng khi ngày càng có nhiều bạn trẻ cảm nhận nét đẹp và yêu thích tìm hiểu văn hóa dân tộc từ những trang phục truyền thống như thế này.

Cổ phục việt cho đến hiện nay đang được các bạn trẻ hồi sinh một cách sống động và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Nếu như các trang phục cổ nước Việt trước đây chúng ta chỉ được thấy qua phim ảnh, sách báo, viện bảo tàng hay các bộ phim về vua chúa thời xưa thì giờ đây hình ảnh các cô gái e ấp, kín đáo trong những bộ áo ngũ thân, áo Tấc, áo Nhật Bình, áo đối khâm hay giao lĩnh đang có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa trong nhiều lớp người trẻ.

Giới trẻ và niềm đam mê cổ phục qua từng bức ảnh (Ảnh: internet)

Cổ phục Việt, màu sắc dân tộc qua từng thời kỳ

Từ lâu mọi người vẫn quen mắt với các trang phục Kimono của Nhật, Hán phục của Trung Quốc hay Hanbok của Hàn bởi sự phổ biến của các bộ phim cổ trang nước ngoài cũng như sự mở cửa, du nhập văn hóa các nước. Cổ phục Việt Nam bấy giờ vẫn chưa được phổ biến và thậm chí được cho là lép vế vì không cầu kỳ, lộng lẫy hay sang chảnh như nước bạn.

Tuy nhiên nếu nghiên cứu kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng cổ phục Việt Nam hoàn toàn không thua kém trang phục của các nước. Mỗi bộ trang phục đều mang đậm nét riêng cũng như thể hiện màu sắc văn hóa đặc trưng của từng triều đại.

Không chỉ dừng lại ở chiếc áo dài được nhiều người biết đến là trang phục truyền thống nổi tiếng khắp 5 châu 4 bể, cổ phục Việt còn là cả một kho tàng với rất nhiều loại trang phục như áo Nhật Bình, áo Tấc (thời nhà Nguyễn), áo đối khâm (thời Lý - Trần), áo giao lĩnh (thời Lý - Trần - Lê), ngoài ra còn có áo ngũ thân (thời nhà Nguyễn sau năm 1744) và áo tứ thân (vào đầu thế kỷ 20).

Hình ảnh áo Ngự Bình và áo Tấc - cổ phục triều Nguyễn (Ảnh: internet)

Trào lưu văn minh trong giới trẻ

Khoảng 2 năm trở lại đây, trào lưu yêu thích cổ phục Việt đang được sống dậy trong thế hệ rất nhiều bạn trẻ, tạo nên dấu ấn mới trong việc đánh thức nét đẹp xưa cũ và truyền thống đặc trưng của văn hóa dân tộc nước nhà.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đam mê sử học đã thành lập các hội nhóm về cổ phục Việt, rất nhiều diễn đàn bàn về cổ phục ra đời được sự quan tâm của giới trẻ và hội tụ đông đảo thành viên tham gia. Tại đây, rất nhiều bài viết và hình ảnh về cổ phục, về văn hóa Việt Nam được lan tỏa rộng rãi.

Ngoài tìm hiểu và nghiên cứu trên các diễn đàn, các bạn còn hiện thực hóa cổ phục bằng các đề tài trình bày trên lớp. Chẳng hạn như sự kiện “Tóc xanh - vạt áo”, ngày hội cổ phục của các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Tại đây, các cô cậu sinh viên đã được hòa mình vào lịch sử, tìm hiểu văn hóa của cha ông bằng cách hóa thân thành những ông hoàng, bà chúa, các công tử, tiểu thư… qua nhiều triều đại.

Không dừng lại ở đó, cổ phục Việt còn đi sâu vào cuộc sống hiện đại, liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và được đón nhận nồng nhiệt. Đã có rất nhiều MV ca nhạc, những bộ phim cổ trang lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam với việc đầu tư hình ảnh, trang phục cổ được trau chuốt vô cùng đẹp mắt khiến nhiều người thích thú.

Trong cuộc sống thường ngày, cổ phục Việt cũng trở nên phổ biến hơn khi được nhiều bạn trẻ lựa chọn trong các bộ ảnh nghệ thuật, chưng diện trong các dịp hội hè, lễ tết hoặc được các đôi uyên ương chọn làm trang phục chính trong ngày trọng đại.

Cô dâu chú rể và bạn bè khoác lên mình cổ phục trong ngày trọng đại (Ảnh: internet)

Đặc biệt hơn qua các bộ ảnh kỷ yếu, trang phục cổ cũng dần được các bạn đưa vào trường học rất tự nhiên như một cách để bày tỏ niềm tự hào, mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị cổ xưa của dân tộc.

Bộ ảnh kỷ yếu được các bạn học sinh lựa chọn với trang phục truyền thống (Ảnh: internet)

Như vậy có thể thấy rằng, với niềm đam mê tìm hiểu cổ phục Việt, điều các bạn trẻ nhận được không những về giá trị thẩm mỹ, giá trị thời trang mà còn đúc kết được tinh hoa văn hóa của những năm tháng lịch sử.

Nam sinh trong trang phục áo ngũ thân truyền thống (Ảnh: internet)

Mặt khác, việc đưa cổ phục đến gần với cuộc sống cho thấy được ý thức của người trẻ trước việc bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc cũng như thể hiện lòng yêu mến, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử theo cách riêng của mình.