Thơ Trần Vũ Mai có một thứ âm nhạc riêng, nó gần như một thương hiệu của thơ anh.
Viết cho tình yêu (Trần Vũ Mai)
Vào mùa xuân có người đến hỏi
Sao không mở cửa
Cánh cửa đây, em đập tiếng dịu dàng
Giọng thiếu nữ
Tiếng tiếp nữa bập bùng lửa đỏ
Tình yêu em chưa được bình yên
Tôi sống và ngẫm nghĩ từng đêm
Cho tình yêu cuộc sống
Ta chẳng có căn phòng
cửa đâu mà đóng
Tôi đã bước qua nhiều những cách ngăn
Để hòa với mọi người, những dòng sông
Để len lỏi giữa cây và đất cát
Lúa tự tay tôi từng hạt
Và em là hạt rất thơm
Hạt mùa xuân đang chín
Mùa xuân này hạt nặng tay tôi
Vậy là chúng ta đang đứng bên nhau
Anh với tay, tay anh chạm được
Em
Anh lặng im và lặng im
Lặng im như bài hát
Lặng im như bài hát
Câu mở bài thơ nghe như giai điệu một bài hát. Phải rồi, dường như một bài hát Nga có cách khởi đầu như vậy. “Vào mùa xuân có người đến hỏi”. Hỏi gì? “Sao không mở cửa". Hoá ra, lâu nay chàng thi sĩ ấy khép cửa hồn mình. Chàng có một nỗi buồn không phải ai cũng hiểu được, cũng thông cảm được. Nhưng để mở ra cánh cửa ấy, thật không dễ dàng gì. Và may quá, chỉ có tiếng đập cửa dịu dàng của em, cái âm thanh không ngôn ngữ mà lại đầy tín hiệu ấy mới chợt khiến cánh cửa mở ra. Nhưng “ta chẳng có căn phòng cửa đâu mà đóng”, ta không có cửa biết làm sao mở cửa? Nghe như một công án Thiền. Nhưng rồi, chính tình yêu, một tình yêu dịu dàng, đơn sơ, vô ngôn đã khiến nhà thơ sau bao ngẫm nghĩ vụt tự quyết cho mình: “Tôi đã bước qua nhiều những cách ngăn - Để hoà với mọi người, những dòng sông”. Vâng, để có được cái bước đầu tiên bước qua bức tường ngăn cách ấy, nhà thơ đã phải tự tay mình làm ra, chọn ra từng hạt, từng hạt “ rất thơm, rất nặng”, những hạt vàng của sáng tạo, của sự sống và của cả sự chết. Vậy là “chúng ta đang đứng bên nhau”, tay anh chạm vào được tay em, một điều tưởng chừng giản đơn nhưng không hề đơn giản. Tình yêu, đôi khi, trong im lặng, có thể mở ra những cánh cửa tưởng chừng vĩnh viễn đóng chặt. Cánh cửa lâu đài, có thể. Cánh cửa ngục thất, có thể.
Thơ Trần Vũ Mai có một thứ âm nhạc riêng, nó gần như một thương hiệu của thơ anh. Chẳng hạn:
“Vào mùa xuân có người đến hỏi
Sao không mở cửa
Cánh cửa đây, em đập tiếng dịu dàng
Giọng thiếu nữ
Tiếng tiếp nữa bập bùng lửa đỏ
Tình yêu em chưa được bình yên
Tôi sống và ngẫm nghĩ từng đêm”
Nếu phiên sang âm nhạc, có thể đó là tiếng đàn ghi-ta với nhịp buông, chậm rãi. Nhà thơ nghe trong tiếng đập cửa những biến thể của nhịp điệu, một nhịp điệu vừa xa lạ vừa thân thuộc. Anh nửa muốn mở ngay cánh cửa lòng mình, nửa do dự. Vì anh nghe được “ Tình yêu em chưa được bình yên”, đó là cái nghe thật tinh tế, của người vừa ở ngoài vừa ở trong tình yêu. Và chính câu thơ này quyết định: cánh cửa sẽ mở.
Để đi tới âm nhạc thơ của đoạn cuối:
“Anh với tay, tay anh chạm được
Em
Anh lặng im và lặng im
Lặng im như bài hát”
Lặng im ấy ngân nga rất sâu tận tâm hồn. Nhưng nhà thơ chưa dám chắc, mình đã quyết định yêu. Vì thế, im lặng là âm thanh cuối cùng của bài thơ. Nhà thơ tài năng, dù chỉ viết một bài thơ hay, người ta nhận ra ngay. Trần Vũ Mai không chỉ có một bài thơ hay. Nhưng vì sao, Hội đồng xét giải thưởng Nhà nước chưa nhận ra nhỉ?
Thanh Thảo (8-2021)
Theo 1thegioi.vn