Duyên Dáng Việt Nam

Nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương

Sky • 14-12-2018 • Lượt xem: 3635
Nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương

Chiều 13-12, Sở VH-TT TPHCM tổ chức họp báo thông tin về chuỗi hoạt động “Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương” tại TPHCM những ngày cuối năm 2018 và trong năm 2019.

Đây là đợt hoạt động văn hóa nghệ thuật quy mô được TPHCM đầu tư tổ chức, thực hiện, nhằm tôn vinh, giới thiệu với công chúng loại hình nghệ thuật đặc sắc với một quá trình hình thành và phát triển nhiều thăng trầm. 



Chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu cải lương sẽ mở màn với các hoạt động: Triển lãm 100 bức tranh chân dung nghệ sĩ cải lương tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, sau triển lãm, các bức tranh sẽ được trưng bày tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 10-1 đến 14-1-2019; trưng bày hiện vật (phục trang, đạo cụ, râu tóc, thùng hóa trang xưa…); biểu diễn đờn ca tài tử, ca ra bộ, diễn lại quá trình chuẩn bị của diễn viên trước khi ra sân khấu; trình diễn một số trích đoạn tiêu biểu, tái hiện cách sử dụng kỹ xảo sân khấu xưa, cách dàn dựng vở tuồng cải lương xưa…

Các hoạt động này diễn ra tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vào tối 17-12 và cả ngày 18, 19-12-2018, mỗi ngày sẽ có 3 suất diễn liên tục phục vụ khán giả. Tối 20-12, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ công diễn suất đầu tiên vở cải lương Giấc mộng đêm xuân tại Nhà hát TPHCM, truyền hình trực tiếp trên kênh HTV1 và truyền tiếp lúc 21 giờ trên kênh HTV9.  

Tiếp nối chuỗi hoạt động của tháng 12-2018, từ ngày 10-1-2019 đến 14-1-2019, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ diễn ra một loạt hoạt động: Triển lãm 100 bức chân dung nghệ sĩ cải lương; tổ chức chương trình giao lưu, biểu diễn vở cải lương Lấp sông Gianh - một tác phẩm sân khấu thể hiện khát vọng của tiền nhân, cũng như khát khao của người dân, mong đất nước thống nhất, không chia cắt; tiết mục kỷ niệm 40 năm ngày mất tài danh sân khấu - cố NSƯT Thanh Nga, có 40 nữ nghệ sĩ sẽ hóa thân vào vai Thái hậu Dương Vân Nga, trong đó có những nữ nghệ sĩ từng đảm nhận vai diễn đặc biệt này trên sân khấu qua nhiều thập kỷ.

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động tại phố đi bộ còn có chương trình tôn vinh 11 gia tộc cải lương, các NSND, NSƯT, các nghệ nhân, những người công nhân, hậu đài phía sau cánh gà… đã có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương.

Chương trình không dùng nhạc nền, nhạc băng mà sử dụng dàn nhạc cổ và tân nhạc. Có 5 bài bản lớn được sử dụng, hòa âm phối khí lại phù hợp chương trình. Phụ trách phần âm nhạc là nhạc sĩ Đức Trí, NS Thanh Liêm, cổ nhạc do NSƯT Hải Phượng - NS Văn Môn đảm nhận; nhạc Quảng giao cho thế hệ tiếp nối của hai gia tộc Huỳnh Long - Minh Tơ phối hợp thực hiện.

Tổng số nghệ sĩ tham gia chương trình khoảng 400 người (các NSND, NSƯT, các NSƯT trẻ đang hoạt động sân khấu cải lương; các diễn viên đoạt HCV giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ, diễn viên múa, diễn viên quần chúng...).

Ngoài ra, còn có 9 trích đoạn: Rạng ngọc Côn Sơn, Chiến binh, Bạch Đằng Giang dậy sóng, Cờ nghĩa Tây Sơn, Duyên kiếp, Thuận lòng trời (trong vở Tổ quốc nơi cuối con đường), Thái hậu Dương Vân Nga, Mặt trời đêm thế kỷ, Bão táp nguyên phong của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và 8 sân khấu xã hội hóa tại TPHCM được dàn dựng, biểu diễn phục vụ công chúng.