Đã bao giờ chúng ta tự hỏi liệu não bộ và làn da có tồn tại một sợi dây gắn kết nào? Mối quan hệ đó thể hiện ra sao và việc chúng ta nhận thức về nó là có cần thiết?
Xem thêm:
Trả lại sức sống cho làn da sần sùi, khô nứt
Sự gắn kết hai chiều giữa não bộ và làn da
Có một sự thật là giữa não bộ và làn da tồn tại một mối quan hệ khăng khít, bền chặt và phức tạp hơn so với những gì chúng ta biết và nghĩ đến.
Bác sĩ da liễu và và tâm thần học Amy Wechsler, tác giả của cuốn sách “The Mind-Beauty Connection” ra mắt năm 2008, cho biết: “Hình thành trong cơ thể ngay khi chúng ta còn là một bào thai trong tử cung của mẹ, làn da và não bộ đã cùng khởi phát từ trục não - da. Chính vì vậy, các đầu dây thần kinh trên da mặt cũng được gắn kết chặt chẽ với não bộ và ngược lại”.
Việc chúng ta đỏ mặt ngay khi cảm thấy xấu hổ, nhợt nhạt khi căng thẳng, sởn gai ốc khi sợ hãi,... là một trong những minh chứng giúp chúng ta dễ dàng nhận thấy được sự tồn tại của mối quan hệ này.
Sự gắn kết này cũng có thể dễ dàng nhận thấy ngay khi chúng ta thường xuyên căng thẳng kéo dài. Ví dụ, sau khi chia tay, những lúc phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thử thách hay việc thường xuyên gặp những chuyện xui xẻo, não bộ sẽ tự động tiết ra một lượng lớn hormone cortisol, một loại hormone có thể chống lại tình trạng căng thẳng và xua tan đi chúng. Tuy nhiên, cortisol lại có những tác động tiêu cực đến chức năng miễn dịch của làn da, khiến cho hàng rào bảo vệ da suy yếu, từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây nên viêm nhiễm, mụn trứng cá, da khô, bong tróc hay những vùng da tối màu.
Việc phải đối mặt với tình trạng căng thẳng cộng thêm làn da gặp phải các vấn đề có thể dễ dàng đẩy một người đứng trước bờ vực “sụp đổ” bất cứ khi nào. Làn da không khoẻ mạnh không thể dễ dàng giải quyết trong một ngày hay một đêm, việc này cũng khiến một người dễ dàng trở nên tự ti và mặc cảm.
Một cuộc nghiên cứu về cảm xúc của các bệnh nhân mắc các bệnh da liễu mãn tính như vẩy nến, chàm, phát ban,... hay những bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác đã được bác sĩ Anthony Bewley, thuộc Hiệp hội Bác sĩ Da liễu Anh, tiến hành.
Kết quả nhận về cũng không khỏi khiến vị bác sĩ này cảm thấy bất ngờ khi chỉ số căng thẳng trung bình của hai nhóm bệnh nhân khác nhau lại không có quá nhiều sự chênh lệch, lần lượt là 78% và 85%.
“Vỗ về” làn da từ sâu bên trong
Dựa trên mối quan hệ này, kiến thức mang tên là tâm lý học da liễu được khai sinh với mục đích cuối cùng hướng đến việc điều trị làn da thông qua nhiều góc độ phụ thuộc vào sức khỏe tinh thần của chúng ta. Thay vì chăm chỉ skincare, chăm sóc bề mặt da, với triết lý này, chúng ta cần tập trung sâu hơn vào bên trong chính bản thân mình với phương châm đặt ra là “tinh thần khỏe mạnh, thoải mái là nền tảng vững chắc của một làn da rạng ngời”.
Chính vì vậy, triết lý này không đề cao và phụ thuộc quá nhiều vào mỹ phẩm, thuốc điều trị trong xuyên suốt hành trình, thay vào đó, chúng ta cần chú trọng và quan tâm nhiều hơn về các kỹ thuật làm thế nào để cân bằng cảm xúc, giữ một tinh thần luôn thoải mái, xua tan những suy nghĩ tiêu cực,... chẳng hạn như thiền hay chánh niệm.
Chánh niệm (hay còn gọi là "mindfulness" trong tiếng Anh) là một khái niệm quan trọng trong thiền và các triết học Đông Á khác. Chánh niệm tập trung vào việc tập trung và chú ý một cách tỉnh thức vào hiện tại, mà không đánh giá, phê phán, hay gắn kết với những suy nghĩ và cảm xúc.
Hơi thở là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi chúng ta muốn tìm hiểu cũng như áp dụng thiền trong cuộc sống hằng ngày. Bởi lẽ, khi hơi thở được điều chỉnh và kiểm soát tốt có thể góp phần loại bỏ lượng CO2 dư thừa, cung cấp lượng oxy cần thiết cho máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn.
Thiền cũng khuyến khích chúng ta sống và trải nghiệm cuộc sống ở hiện tại, thay vì mải mê với quá khứ hoặc lo lắng về tương lai, về những điều chẳng thể nào đoán biết trước được.
Theo một số tài liệu nghiên cứu được cung cấp vào năm 2018, các nhà khoa học trực thuộc Đại học Trinity College Dublin (Ireland), chỉ ra rằng, việc kiểm soát hơi thở một cách nhẹ nhàng, chậm rãi, các tế bào thuộc hệ thần kinh sẽ trở nên thư thái hơn, góp phần làm giảm 50% nồng độ cortisol.
4-7-8 là một trong những phương pháp điều chỉnh hơi thở được nhiều người biết đến vào áp dụng, trong đó có siêu mẫu Kate Moss. 4-7-8 diễn ra theo cơ chế hít sâu 4 giây, nín thở trong 7 giây, sau đó thở ra trong vòng 8 giây. Lặp lại phương pháp này với tần suất từ 5 đến 10 phút trước khi ngủ có thể mang đến nhiều hiệu quả rất tốt như cải thiện giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn, nhịp tim tăng, máu cũng lưu thông tốt hơn, từ đó, làn da cũng trở nên hồng hào hơn.