Duyên Dáng Việt Nam

Vấn đề mỹ thuật: Giải mã 'hiện tượng Đinh Phong'

Nhà nghiên cứu Phạm Long • 11-01-2021 • Lượt xem: 3211
Vấn đề mỹ thuật: Giải mã 'hiện tượng Đinh Phong'

Họa sĩ Đinh Phong là một cái tên cực lạ, cực mới trong làng mỹ thuật Việt Nam. Nhưng cũng chính là người đã tạo ra được "xôn xao" bởi nhiều lẽ ở địa hạt hội họa vốn đã được khai thác giẫm đạp nát nhừ ngỡ không còn một con đường nào khó có thể gọi là mới nữa. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long từ Hà Nội, vừa gửi một bài viết cho DDVN thử lý giải về trường hợp khá đặc biệt này.   

Tin và bài liên quan:

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Đán: Làm nghệ thuật là làm gì? Hành động sáng tạo một thế giới song song 

Trường hợp Trần Hải Minh: Nghệ thuật như một ý niệm khác biệt!

NNC Trương Nguyên Ngã: Đinh Phong, Tay chơi từ những giấc mơ

Những ngày cuối tháng 11 năm 2020, công chúng và giới mỹ thuật Hà Nội xôn xao khi xuất hiện triển lãm “Người bay & Giấc mơ siêu thực” của Đinh Phong tại không gian Art Space của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam – một trong những trung tâm phát triển và sáng tạo mỹ thuật có uy tín nhất thủ đô vào thời điểm này.

Một tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Đinh Phong triển lãm tại Hà Nội.

Người ta xôn xao bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, Đinh Phong là một cái tên cực lạ, cực mới trong làng mỹ thuật Việt Nam. Thứ hai, tranh và tượng được bày với số lượng tương đối đồ sộ, và hấp dẫn, chí ít là với giới thưởng ngoạn Hà Nội – bằng chứng là trong suốt một tuần diễn ra triển lãm, ngày nào cũng có khá đông người xem kéo tới Art Space ở 42 phố Yết Kiêu để thưởng lãm, để tìm hiểu tác phẩm và/hoặc gặp tác giả, ngõ hầu trao đổi chuyện đời, chuyện sáng tác. Thứ ba, nhiều hoạ sĩ và điêu khắc gia lão luyện xứ Hà Thành đã khá bất ngờ về sự chỉn chu và phẩm chất tạo hình của đa số tác phẩm trong triển lãm này.

Bên tách trà hay ly cà phê của các nghệ sĩ đất Hà Thành, câu chuyện “hiện tượng Đinh Phong” vẫn râm ran kéo dài sang tận những tuần đầu, tháng đầu của năm 2021 như một dư âm thú vị của “sự xuất hiện một nhân tố mới có nhiều tiềm năng trong làng mỹ thuật Việt đương đại.”

Đinh Phong quả thật là kẻ “tay ngang”, một người amateur đích thực vì chưa từng được học mỹ thuật ở bất cứ trường lớp chuyên nghiệp nào, và cũng chưa từng tham gia bất cứ một triển lãm mỹ thuật nào từ trước tới nay. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vào lập nghiệp ở Sài Gòn, ông mới chỉ thực sự bắt tay vào vẽ tranh và nặn tượng trong khoảng 10 tháng gần đây, dù yêu nghệ thuật ngay từ thời niên thiếu, rồi bắt đầu say  mê đọc sách và nghiên cứu sâu hơn về các trường phái, tác gia từ giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước. Do vậy, xét về mặt hiện tượng học, tính “lạ”, “mới” của triển lãm Đinh Phong vào thời điểm cuối năm 2020 tại một không gian nghệ thuật đương đại thủ đô rõ ràng có sức thu hút hiển nhiên đối với công chúng và giới nghệ thuật, đó là điều không cần bàn cãi. 

Thế nhưng, tranh và tượng Đinh Phong phải có phẩm chất gì khác và tiềm năng ra sao mới có thể khiến giới chuyên môn lưu tâm? Đó là câu hỏi mà bài viết này xin thử giải mã.

Có lẽ, yếu tính phi khách thể và cấu trúc hữu cơ chính là hai đặc điểm hàng đầu khiến tranh và tượng của Đinh Phong đã có tính độc đáo và sức cuốn hút lớn. Ở trong các khối điêu khắc gọn gàng hay những bức tranh trừu tượng khổ lớn, các hình thể hữu cơ – gợi nhớ các khối xương hay hốc cây ruỗng - có lối tạo hình tự do, phóng túng bất quy tắc, với những mảng khối (đặc/rỗng, đậm/nhạt, dày/mỏng, nóng/lạnh …) luôn nằm trong những vận động bất thường, kèm theo đó là những tỷ lệ thiếu cân xứng, thậm chí phi lý, mang lại cho các tác phẩm của ông đặc tính năng động và giàu sức sống – một thuộc tính tự thân khó đoán trước - khiến chúng thêm phần bí ẩn, khơi gợi rất nhiều hứng thú nơi người xem. Điều lý thú là ông không mô tả những gì mắt ông thấy từ ngoại giới. Ông đã hiện thực hoá những hình ảnh ông gặp trong những giấc mơ của chính mình, và cũng vì thế mà chúng càng kỳ lạ, càng bí ẩn.

Một đặc điểm nữa cũng góp phần làm gia tăng tính hấp dẫn của các tác phẩm Đinh Phong, đó là sự thuần khiết và nhất quán. Như ông từng giãi bày tại triển lãm, những bức tranh của ông “chỉ là sự diễn giải sang mặt phẳng hay là giải cấu trúc của các hình khối điêu khắc 3 chiều.” Rõ ràng cảm giác về tính hữu cơ trong các hình tượng của Đinh Phong phản chiếu thẩm mỹ và đáp ứng của ông đối với các vật/hình thể trừu tượng có chung một thuộc tính: các chi tiết/bộ phận có sự chuyển đổi nhịp nhàng, tinh tế, hài hoà một cách tự nhiên. Phẩm chất hữu cơ luôn hiện diện nhất quán trong tất cả các bức tranh và pho tượng của Đinh Phong, và vì thế, đúng như kiến giải của triết gia kiêm nhà sư phạm nghệ thuật lỗi lạc Graham Collier, khiến các sáng tác của ông “như có một đời sống riêng, sinh động theo quy luật tự nhiên, như thể đã đủ điều kiện để trở thành tác phẩm nghệ thuật”.

Và cũng không thể bỏ qua khả năng biểu đạt của “thủ pháp Đinh Phong”. Theo tôi, phải là người có năng khiếu thiên bẩm thì mới có thể vuốt nặn ra những hình khối đặc/rỗng đầy biểu cảm đến vậy - được ông thể hiện bằng cả chất liệu gốm và đúc đồng. Tất nhiên, vì hình tượng của các khối đã là phi biểu hình nên “những lớp men chảy tự nhiên và không đoán định trước được trong khi vẽ và nung” lại càng làm cho các pho tượng gốm của ông thêm lạ lùng, độc đáo và thú vị. Tượng đồng của ông cũng có lối ‘tạo chất bề mặt’ (patina) rất duyên nhờ những thao tác đậm/nhạt, bóng/xù bất ngờ của “một tay không chuyên”, nên vì thế mà bớt đi cái khô cứng có tính toán của các điêu khắc gia nhà nghề. Đặc biệt, “thủ pháp Đinh Phong” gây ấn tượng nhất là ở các bức vẽ: khổ tranh càng lớn thì lối-vẽ-mang-đậm-dấu-ấn-cá-nhân của ông càng thể hiện rõ mức độ phóng túng của đường nét, diện màu, và sự xung mãn của bút lực. Khi dồn dập, lúc khoan hoà, sự di chuyển tự do của nét bút Đinh Phong làm gia tăng cảm giác vận động, và do đó, có thêm sức truyền cảm tới người thưởng lãm.

Họa sĩ Đinh Phong, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh tại triển lãm cá nhân của anh "Người bay và giấc mơ siêu thực" ở Hà Nội.  

Bí quyết nào tạo nên thành công bước đầu của “hiện tượng Đinh Phong”? Theo tôi, trước hêt là nhờ ông đã sáng tạo bằng “sự thôi thúc bên trong”, hay nói như Kandinsky, ông đã muốn hiện thực hoá những giấc mơ của bản thân chỉ bởi “nhu cầu thiết yếu nội tâm” chứ không vì bất cứ lý do nào khác. Vì thế, các tác phẩm của ông toát lên sự ung dung, tự tại và chân thành. Ngoài ra, phải chăng nhờ luyện môn phái Vĩnh Xuân nhiều năm nên ông đã tới ngưỡng có thể vận dụng nội công và linh giác vào quá trình thực hành nghệ thuật thị giác, để biến những thứ trừu tượng trong mơ thành hiện hữu khả tri - dù vẫn phi khách thể ?! Điều cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng: ông đã chọn đúng thời điểm và vị trí “khai hoả”. Cuối năm 2020, do đại dịch covid-19, thế giới nghệ thuật toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã quá mệt mỏi, rệu rã bởi những đợt giãn cách xã hội hoặc sự cắt huỷ các sự kiện - nên ai nấy đều khao khát sự hồi sinh và/hoặc chứng kiến các hoạt động mới. Và Art Space ở Hà Nội - không gian trưng bày nằm trong khuôn viên Trường Mỹ thuật Đông Dương cũ, cái nôi của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại - là một vị trí hết sức “đắc địa”. Vả lại, giới mỹ thuật thủ đô cũng khét tiếng sành sỏi và có phần bảo thủ, nên việc xuất chiêu ngay tại tuyến đầu nghệ thuật này vừa là thử thách lớn, cũng đòi hỏi sự tự tin và bản lĩnh, chưa nói tới việc cần chuẩn bị tranh tượng kỹ lưỡng và “bài binh bố trận” bài bản ! Rốt cuộc, “cao thủ” Đinh Phong đã tiến ra nghệ trường bằng cú “đột phá khẩu” hết sức ấn tượng và có tiếng vang tích cực.

Rất nhiều người đến xem triển lãm mà anh em trong giới mỹ thuật gọi là "Hiện tượng Đinh Phong". Góc phải ảnh là nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cùng nhà phê bình hội họa Phan Cẩm Thượng đang chăm chú xem tranh. 

Đường trường nghệ thuật thì dài và nhiều cạm bẫy. Không biết ông có định rẽ sang nẻo “chuyên nghiệp” hay vẫn chỉ muốn rong chơi trên cánh đồng mỹ thuật. Dù thế nào, cũng xin chúc mừng NGƯỜI-MỚI-của-làng-nghệ-thuật-Việt, và mong ông kiềm toả xung năng, tiếp tục chọn những thời khắc “ra đòn” thật chí mạng, để “hiện tượng Đinh Phong” không chỉ là “cơn gió lạ nhất thời”, mà sẽ là làn gió lành thổi dài lâu trong bầu khí quyển nghệ thuật nước nhà. Mong lắm thay !!!

Ô Đồng Lầm, tháng 1.2021.

NNC Phạm Long

(*)Chú thích ảnh chính: Nhà sưu tập Bùi Xuân Hiến (Mỹ) và họa sĩ Đinh Phong trong xưởng làm việc của anh trước bức tranh khổ lớn đang vẽ chuẩn bị cho triển lãm tại TP.HCM đầu năm mới 2021. (Ảnh: Đông Dương)