Duyên Dáng Việt Nam

Vòng luân hồi của cái Đẹp (Kỳ 2)

Nhà nghiên cứu Trần Đán • 24-02-2021 • Lượt xem: 1366
Vòng luân hồi của cái Đẹp (Kỳ 2)

Thời kỳ gọi là nghệ thuật “hiện đại” cơ bản là thời kỳ của khai phá. Mà mọi khai phá đều bắt đầu từ tra vấn, bằng sự không thỏa mãn với cái gì đương có, nhất là về phương diện nhận thức.  Nó liên tục tái định nghĩa Cái Đẹp là gì. Nên lúc đó không ít nghệ sĩ tự phong cho mình chức “tiên phong.” 

Tin liên quan những bài viết nhà phê bình Trần Đán:

Vòng luân hồi của cái Đẹp (Kỳ 1)

Làm nghệ thuật là làm gì? Phải chăng chỉ một mớ hỗn độn? (Kỳ 1)

Làm nghệ thuật là làm gì? Hành động sáng tạo một thế giới song song (Kỳ 2)

Điêu khắc Đào Châu Hải, một bước ngoặc trong nghệ thuật Việt Nam (Kỳ 1)

Điêu khắc Đào Châu Hải, thế giới song song hòa quyện sức sáng tạo mãnh liệt (Kỳ 2)

Khi trường phái ấn tượng trong hội họa ra đời, “cái đẹp quy ước” cổ điển nhường chỗ cho cái đẹp do cảm nhận mới về bản chất của ánh sáng.  Tôi không biết chính xác các họa sĩ ấn tượng Monet, Manet, Renoir có hiểu thấu các khám phá mới nhất về quang học không, nhưng có sự trùng ngẫu giữa những khám phá mới nhất về quang phổ - ánh sáng cảm nhận là ánh sáng nhiều tầng số phản chiếu từ những vật liệu khác nhau và từ những góc độ khác nhau. Khi các họa sĩ ấn tượng vẽ cùng một tĩnh vật, cùng một phong cảnh nhưng màu sắc khác nhau vào thời điểm trong ngày, họ đã lật đổ khái niệm về ánh sáng của hội họa cổ điển, điển hình là Rembrandt, với các mảng tranh tối tranh sáng rất rõ nét làm tăng vẻ trang nghiêm, quí phái hay biểu hiện sự dằng co giữa thánh thiện và trần tục. Có thể nói họ đã tách ánh sáng ra khỏi ý niệm về đạo đức, ý thức hệ và kéo nó đến gần với cái mà họ cảm nhận là Cái-Đẹp-Ấn-Tượng.
Van Gogh, Gauguin đi xa hơn Ấn Tượng một bước và dùng màu sắc để biểu lộ Cái-Đẹp-Biểu-Hiện. Trong bức Đêm Sao (1889) Van Gogh vẽ một đêm đầy sao nhưng lại cuồn cuộn mây, không phải mây trong hiện thực nhưng là mây được cảm nhận trong một tâm trạng dằn vặt. Hậu duệ của ông là Matisse, Franz Marc và Edvard Munch chính thức lập ra trường phái Biểu Hiện. 
Sau khi Freud và Jung đưa ra các thuyết về ý thức và tiềm thức thì các nghệ sĩ đào xới ngay nguồn mạch sáng tạo này và lập ra trường phái Siêu Thực. Theo Andre Breton, lý thuyết gia của trường phái, thì qua thủ thuật kết nối tự động, ta sẽ thấy sự giao tiếp giữa thực và mộng, và nơi các va chạm xẹt lửa của chúng ta sẽ tìm thấy Cái-Đẹp-Siêu-Thực. 

Tác phẩm họa sĩ Lucien Freud - Standing by the Rags 1988

Paris vào cuối thế kỉ thứ 19 sục sôi biết bao nhiêu trường phái nghệ thuật: từ Ấn Tượng, Hậu Ấn Tượng, Dã Thú, Siêu Thực, Lập Thể, Kiến Tạo, Vị Lai, Trừu Tượng,v.v…  Lý do hình thành cảnh ngộ “trăm hoa đua nở” đó là vì các nghệ sĩ nhận thức được Cái Đẹp không còn độc tôn và bất biến.  Họ phải bám sát cái mà anh bạn gọi là “bản chất của thực tại” đang dịch chuyển không ngừng. Điều đáng nói là các trường phái đó không nhất thiết triệt tiêu nhau, mà vun xới nhau – những cuộc cách mạng không bạo lực, không dựa trên áp đặt mà dựa trên thuyết phục.  Mỗi trường phái xây một con đường mới, và ai muốn theo thì theo. Các nghệ sĩ thật sự là những mẫu người tôn trọng dân chủ, yêu mến đa nguyên. 

Tranh của họa sĩ Miro - Harlequins 1925.
Có lúc Cái Đẹp dường như bị bỏ rơi, hoặc trở thành quá phức tạp, khiến nhiều người vương vấn thời kỳ cổ điển khi Cái-Đẹp-Thánh-Thiện dễ cảm nhận. Tất cả đều do lỗi của nhà thơ Charles Baudelaire. Tập thơ “Bông Hoa Địa Ngục” (1857) của ông là tuyên ngôn phát đi cho các nghệ sĩ, dù hi sinh đến đâu, họ phải xem “Sự Thật”, tức thực-tại-được-cảm-nhận-bởi-cá-nhân, quan trọng hơn Cái Đẹp.  Không hẳn là họ bác bỏ hoàn toàn Cái Đẹp nhưng từ nay Cái Đẹp phải được tìm thấy trong những mảng tối cũng như mảng sáng của thực tại: sự cùng khỗ, dục vọng, bệnh tâm thần, nghiện ngập, v.v… Tác phẩm Tiếng Gào (1893) của Edvard Munch nổi tiếng mặc dù vẽ một con người đang gào thét trong một cảnh quan màu sắc dữ dội theo phong cách biểu hiện. Về sau tác phẩm được xem là biểu tượng cho con người  lạc lỏng trong thế giới hiện đại. Bà Kathe Kollwitz vẽ lên sự cùng khổ của người lao động chủ yếu bằng sơn đen trắng. Thế giới Salvador Dali đầy dẫy những khuôn mặt, hình hài phân mảnh, méo mó, gợi ý những tâm hồn què quặt sau Thế Chiến Thứ Nhất. Picasso vẽ chân dung người cùng đinh trong xã hội Y Pha Nho qua loạt tranh Thời Kỳ Lam. Khó nhìn nhất là các tranh của Francis Bacon và những khuôn mặt phân tâm, Lucien Freud và những thân hình lõa thể nhầy nhụa, Fernando Montero với những thân hình phì tròn. Điều lạ xảy đến là người ta dần dần nhận ra Cái Đẹp không hề bị bỏ rơi. Nó chỉ “đào thai” từ Cái-Đẹp-Trong -Sự-Vật sang Cái-Đẹp-Trong-Sự -Thật.

Tranh của họa sĩ Wassily Kandinsky - Composition VII 1913

Sang thế kỉ thứ 20, nghệ thuật tiếp tục chuyển biến thần tốc. Lần lượt nẩy sinh ra vô số cuộc thể nghiệm nghệ thuật khác nhau: trừu tượng biểu hiện, tối giản, trường màu, pop art, v.v… Bên châu Âu Ấn Tượng tồn tại được khoản 30 năm thì bị Biếu Hiện, Siêu Thực, Lập Thể thay thế. So với hàng thế kỉ để thay đổi nghệ thuật cổ điển, đấy là một chạy đua thời gian kỉ lục. Bên Mỹ Trừu Tượng Biểu Hiện tung hoành được khoảng 10 năm thì bị Tối Giản, Pop Art lấn át. Phải chăng trong xã hội tư sản các chu kỳ luân hồi của Cái Đẹp tăng tốc, không chỉ vì họ luôn tìm cái cá thể , mà đồng thời luôn cần những sản phẩm “mới” để “tiêu thụ”, để “đầu tư”, kéo giá các tác phẩm nghệ thuật lên những đỉnh cao nhất ngưỡng? Thật không hiểu nổi ai là người bỏ ra 58 triệu Mỹ kim năm 2013, số tiền cao nhất dành cho một nghệ sĩ còn sống, để mua “Play-Doh” của Koons, một con chó hình thù đồ chơi bong bóng đã được phóng lớn bằng nhôm màu mè?
Nhưng có người cho rằng Cái Đẹp trong nghệ thuật ngày nay đã được tẩn liệm. Điều đó có đúng không? Tôi không nghĩ  thế. Chỉ có vòng luân hồi của Cái Đẹp tăng tốc. 
Đối với trường phái Trừu Tượng Biểu Hiện Cái-Đẹp-Trong-Tác-Phẩm chết đi để biến thể thành Cái-Đẹp-Trong-Tiến-Trình. Nhìn sự hổn man trong một bức tranh của Jackson Pollock, hay người đàn bà bôi đi phết lại của Willem de Kooning, người xem có thể không thấy Cái Đẹp ở đâu. Nhưng một nhà phê bình nghệ thuật sâu sắc như Harold Rosenberg  đã chỉ cho ta: một Pollock chạy vòng bức toan căng to dưới đất rồi phun sơn một cách phóng túng, hay Một de Kooning mất cả năm trời bôi đi vẽ lại bức Người Đàn Bà là biểu hiện của một con người tự do say mê hành động, không ngừng chiến đấu với vật chất. Ông quan niệm một bức tranh “không là một vật thể nữa mà là một sự kiện.” Nhận xét của Rosenberg đủ tinh tế để thuyết phục một thương gia chi ra 140 triệu Mỹ kim năm 2006 để mua một tác phẩm của Pollock.

Tranh họa sĩ Francis Bacon - Study for a Head 1952
Nghệ thuật ý niệm xóa đi Cái-Đẹp-Sự-Vật và thay thế bằng Cái-Đẹp-Ý-Nghĩa. Trong tác phẩm trình diễn Cắt Vụn (Cut Piece, 1965) của Yoko Ono, khung cảnh hoàn toàn trơ trụi, diễn viên không có gì khêu gợi. Vậy Cái Đẹp ở đâu? Cô ngồi yên và mời khán giả thay phiên nhau cầm kéo cắt bỏ áo quần của cô. “Tác phẩm” không còn là một vật thể cố định như một bức tranh, một tượng đá, mà là một suy tư về kiếp người, một câu hỏi hiện sinh: Còn lại gì sau khi con người cận đại bị tước đi các mảnh che đậy? Cái Đẹp có chăng, nằm trong thông điệp, Hãy đừng đánh mất khả năng suy tư độc lập trong một xã hội tiêu thụ hàng loạt.  
Nghệ thuật hậu-hiện-đại đáp ứng với thế giới “phẳng” hơn, toàn-cầu-hóa hơn, với dòng thông tin xuyên suốt hơn. Sự đa diện được tôn trọng hơn. “Cái đẹp quy ước” – cái đẹp cứng nhắc được áp đặt bởi xã hội, chính trị, tôn giáo, đa phần đã bị đào thải. Thế thì có phải là “cái đẹp nền tảng” được vinh thăng? Vì khó biết được “bản chất tối hậu của thực tại” như tôi nói trên nên đa số các nghệ sĩ chỉ còn biết theo đuổi cái bản-chất-được-cảm-nhận-của-thực-tại. Nó cũng thay đổi tùy theo thời gian, bối cảnh xã hội, nhưng một cách tự nhiên hơn, uyến chuyển hơn, không bị áp đặt một cách ngượng ngạo, thô triển. Nhận thức càng phức tạp, nó càng phức tạp. Xã hội càng tự do, nó càng tự do. Đặc tính thứ nhất của nó là nó vận hành theo vòng xoắn chủ đề, phản đề rồi hợp đề theo qui luật biện chứng không dứt. Đặc tính thứ hai là chu kỳ luân hồi của Cái Đẹp ngày càng thu ngắn. Tôi xin tạm gọi nó là Cái-Đẹp-Biện-Chứng, 
Nghĩ cho cùng thì dù nghệ thuật theo đuổi các dạng khác nhau của Cái Đẹp thì theo tôi một qui luật hiện ra: Một khái niệm về Cái Đẹp được đề ra, được chấp nhận, trở thành “quy ước”, rồi với thời gian, với thay đổi về xã hội và nhận thức con người, bị lật đổ và sẽ đào thai thành một khái niệm mới khác trong một vòng luân hồi không dứt. Không có một khái niệm nào về Cái Đẹp nào mãi mãi “đúng.” Thực tại và khái niệm về Cái Đẹp, như Trịnh Công Sơn viết về một người tình, sẽ không ngừng “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ.” Tất cả những gì người nghệ sĩ làm được là nắm bắt Cái Đẹp mà mình cảm nhận được trong một thời điểm nào đó, và tạo ra những thế giới song song đầy mới mẻ.


Tác phẩm của Neo Rauch - Vorfuhrung 2006

Về cái nhìn cho rằng nghệ thuật thế giới, sau những trào lưu đột phá của thế kì thứ 19-20 thì nay đã rơi vào tình trạng “bế tắc” thì tôi thiển nghĩ cũng đúng, nhưng không đáng tuyệt vọng. Nhìn lịch sử văn hóa loài người có những thời kỳ được thời gian đánh giá là “huy hoàng” là “đỉnh cao”  vì chúng vô cùng năng động, vô cùng sáng tạo: Cổ Hy La, Trung Hoa, Ấn Độ vào khoảng thế kỷ 4 TCN, rồi hơn 20 thế kỉ sau đó mới đến thời kỳ hiện đại. Giữa 2 khoảng cách đó thì năng lượng sáng tạo cũng cần được “nạp” lại như một chiếc xe hơi điện Tesla.  Lúc này , trong thời kỳ mà ta gọi là “hậu hiện đại”, khi nghệ thuật trên đa phần thế giới đang đồng hành với sự phổ biến của các thể chế dân chủ thì một đặc tính phổ quát của nó cũng là tính đa dạng của “trăm hoa đua nở “ thật sự. Nếu có ai đó thấy khó chịu về tính tương đối đó, của sự thiếu vắng của những định nghĩa tuyệt đối thì có lẻ đó là triệu chứng của một con người khi mới thoát khỏi gông cùm và chưa quen với tự do. Đây là một thời kỳ nhằm củng cố các thành tựu trước đó của các nghệ sĩ, và nhằm tạo điều kiện cho công chúng bắt kịp. Một ngày nào đó, nghệ thuật như một chiếc lò xo, lại bung ra đầy sáng tạo mới.

Tác phẩm họa sĩ Anselm Kiefer - Resumptio 1974
Rất tiếc nước ta đi đầu trong các nước thuộc địa phải chiến đấu dành độc lập lại đi chót về mặt văn hóa nghệ thuật với sự duy trì của chế độ kiểm duyệt/tuyên giáo hết sức lỗi thời. Cái gọi là chủ nghĩa “hiên thực xã hội” trong văn hóa, nghệ thuật mà các nhà lý luận cộng sản từng đề cao, nay lại lâm vào nghịch lý sâu sắc nên ta không còn nghe thấy được cổ vũ. Nếu các văn nghệ sĩ tiếp tục phanh phui cái “hiện thực chủ nghĩa xã hội” ngày hôm nay và nhìn thấy áp bức, lừa dối, bạo lực, bất công – của chính cái chế độ xã hội chủ nghĩa này - thì phải làm sao đây? Thôi thì cho phép họ tha hồ tung hoành trong phạm trù trữ tình, trừu tượng biểu hiện, tối giản, siêu thực, v.v…những trào lưu vô thưởng vô phạt không đe dọa đến quyền lực của giới cầm quyền. 

Đó là một bước tiến bộ nhưng chưa đủ để giải phóng sức sáng tạo của các nghệ sĩ Việt Nam!

(*) Chú thích tranh chính trên đề mục: Tranh họa sĩ Trần Đán - Circle of Beauty. 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Đán